Wednesday, April 24, 2013

CÂY CỘNG SẢN: CÂY CHÓ ĐẺ!


 

CÂY CỘNG SẢN: CÂY CHÓ ĐẺ!
 
        NGUYỄN THIẾU NHẪN
 
          Một đi vĩnh biệt Sông Hàn
          Có về đâu nữa Điện Bàn ngàn năm!(*)
                   (Hoàng Hải Thủy)
 
          Tháng 2 năm 2007, cùng với các nhà thơ Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, tác giả bài thơ trữ tình về “cái lá” gây nhiều tranh cãi là “Lá Diêu Bông” đã được Đảng và Nhà Nước VC trao cái gọi là “Giải Thưởng Nhà Nước” vì những tác phẩm của họ “có giá trị cao về văn học nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc.”
 
          Xem ra cái tài “nhổ ra, liếm lại” của Đảng và Nhà Nước ta vào bậc thượng thừa. Bởi vì; theo nhà văn Hoàng Hải Thủy thì, “vào năm 1958 ở Hà Nội, 4 người trên đây, cùng một số văn nghệ sĩ bị Trùm Đồ Tể Văn Nghệ Tố Hữu xuống tay kết tội “phản động chống Đảng”.   
 
          Vụ này được gọi là vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Những người nổi tiếng nhất bị Tố Hữu “vu cáo, chửi rủa, bắt di tù năm ấy là nữ sĩ Thụy An, các ông Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, ông chủ nhà xuất bản Minh Đức.”
 
          Cũng theo nhà văn Hoàng Hải Thủy thì “Ông Phan Khôi không bị đi tù nhưng bị Tố Hữu chửi rất nặng lời; nó - Tố Hữu và bọn văn nô đàn em nó - chửi đích danh Phan Khôi chứ không chửi bóng gió. Khoảng một năm sau ngày bị nhục mạ, ông Phan Khôi qua đời. Năm 1980, nghĩa trang có mộ ông Phan bị giải tỏa, các con ông không đến lấy cốt ông mang đi nơi khác nên di cốt của ông bị mất. Nay người ta xây mộ ông ở làng quê ông nhưng trong mộ không có di cốt của ông.”
*
          Trong Bản Kết Tội do tên Trùm Đồ tể Văn Nghệ Tố Hữu công bố trên tờ Học Tập, Tạp chí Lý luận & Chính trị của Đảng Lao Động Việt Nam, tháng 4 năm 1958, trang 22-28 đã bịa điều, đặt chuyện một cách vô liêm sỉ để kết tội ông Phan Khôi như sau: “…Chúng là những tên phản trắc, có kẻ như Phan Khôi một đời đã năm lần phản bội Tổ quốc, kẻ đã từng nhục mạ “người An-nam là chó, và đã là chó thì phải ăn cứt” để “thuyết phục” người khác đầu hàng địch, mà vẫn dương dương tự cho mình là “học giả tiết tháo”, và được kẻ đồng bọn phong cho là “Anh hùng của ba trăm nô lệ” (!)”
 
          Thực ra, ông Phan Khôi TỘI NẶNG hơn nhiều những cái tội mà Tố Hữu đã hài ra để kết tội ông.
 
          Như chúng ta đã biết, ông Phan Khôi là “người đã từng đi kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc; đã làm tròn mỹ mãn công tác phiên dịch các sách chữ Hán hoặc chữ Pháp sang tiếng Việt, đã được “Bác Hồ” ban cho ông một chiếc áo blouson Mỹ” (trang 55, Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, Hoàng Văn Chí).
 
          Chính ông là người đã làm bài thơ ám chỉ Việt Minh là loài thú vật bằng chữ Hán, mà Thế Lữ dịch ý như sau:
 
          “Một mình trước cảnh xanh núi rừng
          Ta ngạo nghễ với bầy chim, bầy vượn
          Vì ta chạy loạn mà tình cờ gặp cảnh lâm tuyền.”
 
          Ông còn táo bạo hơn khi phong trào kháng chiến Việt Minh hiện nguyên hình là đảng Cộng sản, ông đã viết bài “Cây Cộng Sản” chỉ ngay vào vùng Việt Bắc, quê hương cách mạng: “Có một thứ thực vật nửa như bèo nửa cũng như sen Nhật Bản ở nước ta trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy trong mấy tỉnh Việt Bắc không chỗ nào là không có.”  
 
          Ông Phan Khôi cho rằng nó mọc trên thị trấn bị ta phá hoại như rừng, ken kít nhau. Nơi gọi là “cỏ bù xít” vì nó có mùi hôi như con bọ xít, nơi gọi là “cây cứt lợn”, nơi gọi là “cây chó đẻ”. Tên đều không nhã tí nào hết (…) thứ cây ấy những người có học gọi bằng CÂY CỘNG SẢN!
 
          Ông Phan Khôi cho rằng trước kia xứ ta không có “cây cứt lợn dại nầy”, mà vì người Pháp mang đến trồng ở những đồn điền cà phê , cao su để che đất cho mát gốc: “Không mấy lâu nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931 đồng thời với Đông Dương Cộng sản đảng bắt đầu hoạt động, phong trào Cộng Sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là “herbe communiste”, đáng lẽ dịch là CỎ CỘNG SẢN, nhưng nhiều người gọi nó là CÂY CỘNG SẢN. Nó còn một tên nữa rất là lạ…”
 
          Ông nhà nho sông Hàn còn táo bạo hơn bịa rằng ông đã gặp ông già người Thổ ở vùng Việt Bắc: “Hỏi ông tên nó là cây gì, ông nói tên nó là “CỎ CỤ HỒ”. Thứ cỏ này trước kia không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thấy thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường xá, đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy”.
 
          Tờ Văn Nghệ xuất bản vào tháng 8 năm 1958 đã trích dẫn đoạn văn trên để kết tội ông Phan Khôi là PHẢN ĐỘNG!        
 
          Qua sự kiện trên cho thấy ít ra tên Trùm Đồ Tể Cai Thầu Văn Nghệ Tố Hữu cũng còn nhẹ tay với ông Phan Khôi; Bởi vì, nếu cứ y cứ vào lời tố cáo của báo Văn Nghệ vạch rõ ra là ông Phan Khôi đã gọi “cỏ bù xít” là CÂY CỘNG SẢN, là CỎ CỤ HỒ, là CÂY CHÓ ĐẺ thì tội của mấy ông nhà thơ Trần Dần, Phùng Quáng, Hoàng Cầm, Lê Đạt… đâu có ra cái mùi mẽ gì so với tác giả của những câu thơ “thấm đẫm tình già”:
 
          “Hai mươi bốn năm sau
          Tình cờ đất khách gặp nhau
          Hai mái đầu đã bạc
          Ôn chuyện cũ mà thôi
          Liếc đưa nhau đi rồi
          Con mắt còn có đuôi!”
                   *
          Theo nhà văn Hoàng Hải Thủy thì: "Năm 1956, ông Phan Khôi là Đại biểu Nhà văn Bắc Cộng sang Bắc Kinh dự Lễ Kỷ Niệm văn hào Lỗ Tấn. Nếu Lỗ Tấn còn sống dưới thời Mao Trạch Đông chắc hơn bắp rang là ông bị Mao bỏ tù vì tội phản động, nếu Các Mác mà sống dưới thời Stalin rất có thể ông bị Sít cho đi tù mút chỉ vì tội “Hiểu sai chủ nghĩa Mác”.
Khi đến viếng mộ Lê Chất, một công thần triều vua Gia Long, ông Phan Khôi làm bài thơ trong đó có hai câu:
 
          “Ấy dũng, ấy trung là thế thế
          Mà công, mà tội ở mô mô!?”
 
          Khi biết di cốt ông Phan Khôi bị mất, cảm khái tôi (HHT - ghi chú của LM) làm mấy câu viếng ông:
          “Ấy bút, ấy văn là thế thế
          Mà xương, mà thịt ở mô mô!?”
 
          Năm 1945, ông Phan ra Hà Nội, rồi ông lên Việt Bắc, năm 1954 ông trở về Hà Nội. Ông qua đời ở Hà Nội ngày 6-1-1959. Thân xác ông mất tích trong đất Bắc.
          Từ năm 1925 đến năm 1940, ông Phan nhiều lần ra Bắc, vào Nam, yên bình về sống ở làng quê ông, đến năm 1945 ông theo Việt Minh và ông không trở về quê ông nữa.
          Và ngôi mộ ở quê ông không có chứa thân xác ông!
          Bao nhiêu người đã vì lòng yêu nước mà theo Việt Minh đã không trở về quê và gia dình cũng không biết thân xác của họ ở nơi đâu để mà phụng thờ hương khói!
*
          Người chỉ đạo “tên đồ tể cai thầu văn nghệ” Tố Hữu tìm mọi cách “đì” những nhà thơ, nhà văn của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, hạ nhục ông Phan Khôi là Trường Chinh Đặng Xuân Khu có một ngôi mộ rất lớn ở nghĩa trang Mai Dịch.
 
          Người bị ông Phan Khôi “chê” là đã đem CỎ CỨT CHÓ tức là cái “chủ nghĩa Cộng sản chó đẻ” gieo rắc tang tóc, đau thương cho nhân dân Việt Nam là ông Hồ Chí Minh có một cái lăng rất lớn ở Ba Đình.
 
          Nhưng chắc chắn, rồi ra ông Phan Khôi SẼ CÓ MỘT CÁI LĂNG RẤT LỚN TRONG LÒNG DÂN TỘC khi mà cái chủ nghĩa Cộng sản bạo tàn và bọn đầu gấu ở Bắc Bộ Phủ sẽ bị người dân vùng lên giựt sập trong tương lai!
          Chúng ta tin điều đó!
*
          “Một đi vĩnh biệt sông Hàn
          Có về đâu nữa Điện Bàn ngàn năm!”
 
          Xin kính gửi hương hồn Phan tiên sinh một nén hương thắp muộn!
 
        NGUYỄN THIẾU NHẪN
          tieng-dan-weekly.blogspot.com
 
          *Tài liệu tham khảo:
            - Bài viết “Giải thưởng nhà thổ” của Hoàng Hải Thủy.
            - “Dương Thu Hương và Con Hùm Ngủ”, tiểu luận của Nguyễn Việt Nữ.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog - 3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link