Wednesday, April 24, 2013

Bộ Y tế thương dân nên cho bác sĩ nhận phong bì


Bộ Y tế thương dân nên cho bác sĩ nhận phong bì


(Đời sống) - Nếu Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng tay xử lý nạn nhận phong bì, hệ thống bệnh viện công của Việt Nam có nguy cơ thiếu bác sĩ giỏi, lãnh đạo khoa sáng suốt vì họ phải đối diện với "nạn" phong bì nhiều nhất. Thế nên, Bộ trưởng cho bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân là đang giúp người dân.

TIN LIÊN QUAN

 

Trong không khí các công bộc tận tụy đang nỗ lực làm hài lòng người dân, Bộ Y tế lần đầu tiên tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hàng trăm lãnh đạo, điều dưỡng các bệnh viện, sở y tế. Nghĩ thế là phải, làm thế lại càng đúng bởi từ trước tới nay, người đi khám bệnh, nôm na cũng là thượng đế tạo nguồn thu cho bệnh viện mà lại thường phải co ro, khúm núm, ho cũng khẽ khàng. Cái chuyện ngược đời ấy từ mai sẽ chấm dứt rồi, đừng có cậy quá tải mà to tiếng nặng lời với bệnh nhân nhé, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra lệnh, đâu có phải chuyện chơi.

Dân hể hả thì đành rồi nhưng sao quyết định của Bộ trưởng vẫn được các bác sĩ mừng vui đón nhận thế nhỉ? Ấy, có khi cái nhu cầu văn hóa lúc nào cũng đầy ứ ừ ự trong lòng mỗi y bác sĩ, hiềm vì người ta bên cạnh ứng xử sao, mình cũng cố gắng hòa nhập. Giờ được Bộ trưởng cởi lòng, còn gì bằng. Thêm nữa, có khi điều này quan trọng hơn, Bộ trưởng đã đồng ý cho y bác sĩ nhận phong bì.

 

bo-truong-nguyen-thi-kim-tien-Phunutoday.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho bác sĩ nhận phong bì là giúp bệnh nhân.

Quý vị cứ thử nghĩ mà xem, lương ba cọc ba đồng, trực đêm được bồi dưỡng không hơn chế độ trực bảo vệ là bao, mà gia đình y bác sĩ vẫn phải ăn như mọi nhà, con cái y bác sĩ cũng phải học như con cái mọi nhà, vậy thì tiền đâu.  Mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận định đấy thôi, lâu nay bức xúc về y đức chỉ xảy ra trong bệnh viện công vì đời sống của y bác sĩ còn khó khăn, thu nhập chưa tương xứng. Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói nếu bác sĩ không nhận quà thì “bệnh của tôi không khỏi được”.

Vì vậy, Bộ trưởng Tiến đã lần đầu tiên công khai đồng ý cho bác sĩ được nhận phong bì, vì “quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của người bệnh với người thầy thuốc nên không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị, chỉ cấm nhận trước và trong điều trị”.
Thấu hiểu lòng người như vậy mới xứng đáng là vị tư lệnh ngành. Mà công đức trời biển của các vị y bác sĩ khó mà phủ nhận. Này nhé, mới đây, một cụ ông 73 tuổi tự dưng lại được chẩn đoán có cái thai 16 tuần vì vào viện chữa trị xương khớp. May nhờ bác sĩ kiểm tra phát hiện ra ngay, rằng cái cô y tá đánh máy nhầm chứ không thì có mà cứ mang tiếng đời đời với làng với xóm. Ai đời là đàn ông mà dám... có mang.

Hay người bệnh nhân đau đầu gối chân trái bác sĩ lại mổ sang chân phải. Suýt nữa thì phải ôm chân đau về nhà. May nhờ bác sĩ phát hiện ra đã tiếp tục mổ cho cái chân trái. Đi bệnh viện mà cứ như đi mua hàng khuyến mại, định mổ một chân lại được mổ cả hai, phải cảm ơn to ấy chứ. Đấy là chưa kể vô số các trường hợp bác sĩ tặng bệnh nhân nào bông gạc, kéo, dao mổ trong người.

Giờ thì thôi nhé cảnh người nhà dấm dúi nhét túi áo bác sĩ cái phong bì, y bác sĩ chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi, điều trị xong chắc chắn sẽ được cảm ơn. Và nhớ đấy nhé, Bộ đã nói rõ về văn hóa ứng xử, cần phải cảm ơn món quà nghĩa tình đó một cách xứng đáng. Kẻ viết bài thiển nghĩ,  Bộ Y tế nên xây dựng một bộ tiêu chí về mức độ tận tụy của ca chữa trị để bệnh nhân căn cứ theo đó để đưa ra mức cảm ơn hợp lý. Bệnh nhân khỏi phải căng óc nghĩ cảm ơn bao nhiêu tiền cho xứng đáng, còn bác sĩ chữa bệnh xong đã biết phong bì có bao nhiêu tiền, ấy thế là tiện cho cả đôi bên.

Có kẻ lắm chuyện bảo rằng, Bộ trưởng Tiến "tiền hậu bất nhất". Chỉ 4 tháng trước đây thôi, bà từng tuyên bố trước Quốc hội rằng "bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi”. Và đây là cuộc đấu tranh giữa cái thiện, cái ác và còn lâu dài.

Chúng ta có thể đưa ra một giả thiết rằng, phải chăng trong 4 tháng qua Bộ trưởng đã nhận được quá nhiều ảnh bác sĩ nhận phong của người dân gửi. Việc xử lý những phản ánh đấy của người dân làm Bộ trưởng mất quá nhiều thời gian, vì phải đi xác minh đấy có phải ảnh thật, chưa có chỉnh sửa, cắt ghép, nguồn gốc từ đâu, bác sĩ nào, thời gian bao giờ… nói chung là phải chứng minh ảnh đó đúng, việc này không phải đơn giản, trong khi lượng ảnh quá nhiều. Chẳng nhẽ Bộ lại thành lập thêm một Cục mới gọi là “Cục phong bì” chuyên xử lý những phải ánh về tiêu cực, nạn phong bì trong bệnh viện công. Ừ thì nếu Cục đó thành lập sẽ giải quyết việc làm cho kha khá "công chức cắp ô" nhưng xem chừng cũng bất tiện.

Quý vị nghĩ mà xem, nếu xử nghiêm tất cả các y bác sĩ nhận phong bì (xin nhắc lại là vì hoàn cảnh bắt buộc, đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống), liệu các bệnh viện công của chúng ta sẽ còn bao nhiêu y bác sĩ. Còn nữa, thử hình dung xem những người nhận phong bì nhiều nhất bệnh viện là ai. Chắc chắn không ít là bác sĩ giỏi. Logic thuận chiều là bác sĩ giỏi thường được sắp xếp chữa ca khó, bệnh nặng, và bao giờ cũng phải nhận chăm sóc nhiều bệnh nhân hơn phần còn lại. Muốn từ chối phong bì cũng khó ấy chứ. Người Việt vốn có truyền thống trọng ơn nghĩa, không cảm ơn được bác sĩ cũng khó ăn ngon ngủ yên.

Đối tượng thứ hai cũng thuộc nhóm nguy cơ cao phải đối mặt với nhiều phong bì của bệnh nhân là những lãnh đạo khoa, trung tâm… những người có quyền quyết định phân công bác sĩ chữa trị, thái độ người chăm sóc… Bạn nghĩ xem, nếu tất cả hai nhóm bác sĩ trên bị xử lý thì bệnh viện công của chúng ta sẽ còn bác sĩ nào để chữa trị cho bệnh nhân, chưa kể đội ngũ bác sĩ giỏi, lãnh đạo tài ba cũng vì thế suy giảm. Những thiệt hại này rồi người dân cũng sẽ lãnh đủ, bệnh khó không còn bác sĩ giỏi, bệnh viện phát triển không còn lãnh đạo tài ba… Trong khi người dân còn nghèo, ra hệ thống bệnh viện tư nhân thì lấy đâu tiền chi trả, mà vào bệnh viện công chi phí thấp hơn thì bệnh chữa mãi không khỏi, lúc đấy phải làm sao?

Ấy là Bộ trưởng Y tế lo cho dân mình phải gánh cái hệ lụy xử lý thẳng tay nạn nhận phong bì, nên mới đồng ý cho bác sĩ nhận phong bì sau khi chữa trị khỏi. Người dân nên hiểu và thông cảm cho cái khó của Bộ Y tế.

  • Phạm Thanh

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog - 3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link