Tuesday, April 23, 2013

Giải mã chiêu bài hạt nhân Bắc Triều Tiên


 

Chủ nhật 21 Tháng Tư 2013

Giải mã chiêu bài hạt nhân Bắc Triều Tiên


Hình ảnh của hai thế hệ lãnh đạo họ Kim bao phủ lên Bình Nhưỡng. Ảnh ngày 01/04/2013.

Hình ảnh của hai thế hệ lãnh đạo họ Kim bao phủ lên Bình Nhưỡng. Ảnh ngày 01/04/2013.

REUTERS/Kyodo

Lê Phước


Gần đây, bán đảo Triều Tiên trở thành một trong những điểm nóng nhất do đối mặt với nguy cơ hạt nhân. Nhưng cũng có những nhận định cho rằng, đó chỉ là chiêu thức quen thuộc mà trước nay chế độ Bình Nhưỡng của nhà họ Kim vẫn hay dùng, khi mà "nguy cơ sụp đổ từ bên trong".

L’Express đăng bài phỏng vấn giáo sư Andrei Lankov thuộc đại học Kookmin tại Seoul-một chuyên gia có uy tín về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chuyên gia này khẳng định : « Tôi lo ngại một cuộc sụp đổ từ bên trong ».

Giải thích cho những hành động khiêu khích quá mức và day dẳn của Bình Nhưỡng trong thời gian qua, giáo sư Andrei Lankov cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy chế độ nhà họ Kim không vững như người ta tưởng. Theo những thông tin riêng, ông cho biết, tại Bắc Triều Tiên nhà lãnh đạo 30 tuổi Kim Jong Un đang dần mất lòng dân.

Nguyên nhân của việc mất lòng dân đó chính là dù bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng những thông tin về thế giới bên ngoài cũng rò rỉ được vào Bắc Triều Tiên khiến người dân nước này ngày càng hiểu ra sự lạc hậu của đất nước mình. Thêm vào đó là nạn tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng xã hội dâng cao, kinh tế èo uột. Tất cả đã khiến Kim Jong Un phải ra chiêu bài là cố tình tạo cho người dân cái cảm giác đất nước đang bị ngoại bang bao vây vì thế vận mệnh của đất nước đang nằm trong tay người lãnh đạo.

Một khó khăn khác của Kim Jong Un được giáo sư Lankov nêu ra là, nhà lãnh đạo trẻ này đang gặp sự chống đối trong nội bộ. Bằng chứng là, hồi năm ngoái, trong giai đoạn từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9, ông Kim Jong Un đã toan tiến hành một vài biện pháp cải cách nông nghiệp và công nghiệp. Ông cũng đã bổ nhiệm vào ghế thủ tướng một người theo khuynh hướng mở cửa. Thế nhưng, không hiểu tại sao tất cả những cải tổ đã dừng lại, nguyên nhân rất có thể là một bộ phận quan chức lãnh đạo phản đối đường lối đó của Kim Jong Un.

Nhìn về tương lai, giáo sư Andrei cho rằng, khả năng chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ do nội loạn là lớn hơn khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, nếu chế độ miền Bắc sụp đổ quá nhanh chóng và rối loạn, thì viễn ảnh hai miền thống nhất cũng chẳng tốt đẹp gì.

Theo giáo sư Andrei Lankov, nền kinh tế miền Nam giàu hơn gấp 50 lần so với kinh tế miền Bắc, người miền Bắc thì đa số không có ăn học, không có kinh nghiệm giao thiệp với bên ngoài, mà dù có được đi học thì cũng học những công nghệ rất lạc hậu. Bởi vậy, sau khi hai miền thống nhất, chắc chắc người miền Bắc sẽ chỉ là “công dân hạng nhì”.

Trong một viễn ảnh như vậy, theo chuyên gia này, có thể buổi đầu thống nhất người Bắc Triều Tiên khi phát hiện sự phồn thịnh bên ngoài sẽ đập phá tượng đài nhà họ Kim, nhưng rồi sau đó do sống dưới cảnh công dân hạng hai thế nào rồi họ cũng lại tưởng nhớ chế độ nhà họ Kim.

Khiêu khích để kiếm cứu trợ

Với bài viết chạy tựa “Trong suy nghĩ của Kim Jong Un”, L’Express nêu một nguyên nhân khác trong động cơ khiêu khích của Kim Jong Un, đó là ông đang lập lại chiêu thức mà cha và ông nội của ông đã thường dùng : dùng sự đe dọa hạt nhân để buộc các nước đổi lại bằng viện trợ lương thực, dầu hỏa và ngoại tệ.

Bài viết cũng cho rằng, trong tương lai gần, có thể chế độ Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục dựa dẫm vào đồng minh Trung Quốc. Thế nhưng trong dài hạn, chắc chắn Kim Jong Un sẽ phải tìm những điểm tựa khác để hạn chế việc lệ thuộc quá đà vào Bắc Kinh.

Tức là, trong dài hạn, để đảm bảo cho sự tồn tại của mình, Kim Jong Un sẽ phải cải cách mở cửa đất nước. Hồi đầu năm 2013, Kim Jong Un cũng đã tuyên bố sẽ tiến hành “một sự chuyển hướng toàn diện” để “cải thiện đời sống nhân dân”.

Thế nhưng, theo L’Express, con đường cải cách của nhà lãnh đạo họ Kim có thể mang đến nguy cơ cho sự tồn vong của chế độ, bởi khi mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài, thì người dân sẽ càng biết nhiều hơn về sự tệ hại của đất nước, chưa kể là những làn gió thời đại sẽ thổi vào đánh thức người Bắc Triều Tiên, một làn gió mà L’Express cho là sẽ mang tính “định mệnh” đối với chế độ Bình Nhưỡng.

Chia sẽ quan điểm với L’Express, tạp chí Le Nouvel Observateur đăng bài nhận định của chuyên gia René Backmann theo đó, hành động khiêu khích vừa qua của Bắc Triều Tiên có thể là tín hiệu cho thấy, ông Kim Jong Un muốn củng cố quyền lực đối với giới quân đội lão thành ở Bắc Triều Tiên, cũng là để tìm kiếm nguồn viện trợ kinh tế, đồng thời cũng có thể nhân đó buộc Hoa Kỳ thừa nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân.

Phụ trang cuối tuần báo Le Monde cũng có quan điểm tương tự khi cho đăng tóm lược những lần Bắc Triều Tiên dùng chiêu bài hạt nhân để kiếm nguồn viện trợ nhằm giải quyết khó khăn kinh tế trong nước. Lần đầu tiên theo tờ báo có lẽ là vào năm 1993, khi ấy Bắc Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà nước này đã tham gia ký kết vào năm 1985. Một năm sau đó, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành-người khai sinh chế độ Bình Nhưỡng, đã đổi ý và chấp nhận ký thỏa thuận với Mỹ để được nhận nguồn viện trợ 500 000 tấn dầu/năm.

Tây Tạng, làn sóng đấu tranh bất bạo động dâng cao

Đến với hồ sơ Tây Tạng, tuần báo Courrier International trích dịch bài của tờ báo mạng của người Tây Tạng sống lưu vong tại Ấn Độ, Tibetan Political Review. Theo đó, làn sóng đấu tranh bất bạo động đang dâng cao ở Tây Tạng.

Tờ báo cho biết, người ta thường biết đến cuộc đấu tranh của những người Tây Tạng qua các vụ tự thiêu, mà ít biết đến một làn sóng đấu tranh bất bạo động khác đang ngày càng lớn mạnh tại xứ này. Theo tờ báo, sau vụ đàn áp dã man người Tây Tạng hồi năm 2008 của chính phủ Bắc Kinh, một phong trào bất bạo động đã nổi lên dưới tên gọi Lhakar, dựa trên ba trục chính : Từ bỏ việc đấu tranh bằng biện pháp hội họp tập thể ; Sử dụng văn hóa làm vũ khí đấu tranh ; Thực hiện chiến lược bất hợp tác.

Bài viết nêu rõ, không đấu tranh tập thể tức là chuyển đấu tranh về cho mỗi cá nhân. Cụ thể là, mỗi cá nhân tự chọn cho mình cách phù hợp để khẳng định bản sắc Tây Tạng như mặc y phục truyền thống Tây Tạng, ăn theo kiểu Tây Tạng, truyền bá chữ Tây Tạng…

Như vậy, trong một bối cảnh đặc biệt tại Tây Tạng, những động thái thuộc về văn hóa nói trên sẽ mang ý nghĩa chính trị khi nó góp phần khẳng định bản sắc Tây Tạng. Trụ cột đấu tranh thứ hai diễn ra trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, văn học, thơ, nhạc…tất cả điều nhắm đến việc dùng chữ Tây Tạng, truyền bá văn hóa riêng của người Tây Tạng.

Còn việc bất hợp tác được thể hiện qua việc mỗi người Tây Tạng tự biết tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, không mua đồ ở những cửa hàng của người Hán. Trên thực tế, hành động này đã buộc nhiều cửa hàng người Hán phải đóng cửa hoặc phải sang cửa hàng lại cho người Tây Tạng.

Như vậy, những kiểu đấu tranh nói trên nói là cá nhân nhưng thực ra đó là một cuộc đấu tranh tập thể, tức có một nhận thức chung, còn trong hành động thì mỗi người tự biết chọn cách thích hợp mà làm lấy.

Với cách đấu tranh này, nhà cầm quyền Trung Quốc rất khó kiểm soát. Bài viết kết luận: “Người Trung Quốc sẽ cảm thấy mỗi người Tây Tạng đều là một chiến sĩ, và mỗi hành động dù nhỏ nhất đều là hành động phản loạn. Ngày ấy đang đến gần, và khi ngày ấy đến thì có nghĩa là Trung Quốc đã thua trong trận đánh Tây Tạng”.

Khủng bố Boston : Học cách sống chung với khủng bố

Vụ khủng bố tại điểm đến của cuộc đua marathon ở thành phố Boston bang Massachusetts hôm 15/04/2013 là một trong những chủ đề nóng của tạp chí Pháp tuần này. Tạp chí L’Express đăng bài: “Một mùa marathon của sự kinh hoàng”.

Tờ báo nhắc lại vụ hai quả bom tự chế hẹn giờ phát nổ tại đích đến của cuộc đua marathon ở Boston vừa qua với 3 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương. Dù hậu quả của cuộc đánh bom không quá nặng, nhưng nó cũng đủ sức làm sống dậy bóng ma 11/9 ở khắp nước Mỹ.

Sau vụ nổ bom, rất nhiều giả thuyết được đưa ra, từ giả thuyết cho rằng do các nhóm có liên quan đến Al Qaida tổ chức đến giả thuyết nghi ngờ do các phần tử quá khích trong nước tiến hành để bày tỏ lập trường chống lại chính phủ. Tuy vậy, chưa có một giả thuyết nào là chắc chắn, bởi vậy tâm lý hoang mang càng lớn.

L’Express cho biết, tâm lý lo sợ khủng bố luôn thường trực ở người dân Mỹ. Bằng chứng là theo một cuộc thăm dò nhân 10 năm sự kiện 11/9, có đến 43% người được hỏi thừa nhận trong đầu lúc nào cũng cảm thấy có sự đe dọa tấn công khủng bố, 2/3 người được hỏi cho biết tỏ ra cẩn thận hơn đối với người ngồi bên cạnh trên xe buýt, hơn 50% cho rằng có thể sẽ có một vụ tấn công khủng bố qui mô trong những năm tới.

Tờ báo kết luận, nước Mỹ hiện tại không có cái gọi là “kẻ thù số 1” để có thể dễ dàng nhận ra, mà kẻ thù hiện tại là nhiều và không có hình dạng cụ thể, bởi vậy cần thiết phải có biện pháp đối phó thường trực, tức là cần phải học cách “sống chung với đe dọa”.

Chia sẽ quan điểm với L’Express, Courrier Internatonal trích dịch bài xã luận của tờ nhật báo USA Today tại Virginia với lời kêu gọi: “Chúng ta hãy giữ bình tĩnh bởi vì đó chính là thứ mà những kẻ khủng bố muốn chúng ta phải mất đi”. Tờ báo còn cho biết, từ sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 đến nay, các nhà chức trách đã phát hiện và phá vỡ khoảng 50 âm mưu khủng bố, trong đó có đến 42 vụ có thủ phạm là người trong nước.

Tuy nhiên, tờ báo nhấn mạnh, không nên lấy đó để hoàn toàn yên tâm bởi vi đe dọa khủng bố là thường trực, nhà chức trách không thể nào bảo đảm an ninh được cho tất cả các địa điểm có đông người tụ tập, và cũng không thể cảnh báo trước hành động bất chợt của một người nào đó.

Pháp : báo giới tiếp tục chỉ trích cánh tả

Liên quan đến nước Pháp, các tạp chí số ra tuần này hầu hết đều đăng bài chỉ trích sự điều hành kinh tế kém hiệu quả của tổng thống Hollande và những xì căng đan ở cánh tả vừa qua. L’Express thân hữu chạy tựa lớn trên trang nhất “Cánh tả nổ tung”. Tờ báo dành một hồ sơ khá dài để mổ xẻ những thất bại của tổng thống nói riêng và của cánh tả nói chung, nhất là thất bại trong hồ sơ kinh tế.

Le Nouvel Observateur thì có cái nhìn mang tính lịch sử khi nhìn vào bối cảnh hiện tại của nước Pháp và cho rằng rất giống với những năm 1930, khi khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, xì căn đang chính trị, nạn bài ngoại, chủ nghĩa thiên hữu cực đoan…

Về phần mình, Courrier International tỏ ra đồng thuận với hai tờ báo nói trên khi đăng lại bài của tuần san Die Zeit tại Berlin để cung cấp một góc nhìn về Pháp từ nước Đức. Bài viết chạy dòng tựa khá thu hút: “Pháp, một đất nước bế tắc, bị gặm nhắm và bị bào mòn”. Tờ báo Đức nhận định, nước Pháp hiện chỉ còn là một đất nước già nua và uể oải, đang đối mặt với tệ tham nhũng, “bị khai thác” bởi giới cầm quyền trong khi đó thì nền kinh tế quốc gia đang xuống dốc.

Tunisia, bình đẳng giới còn khá xa vời

Trong hồ sơ xã hội, L’Express nhìn về đất nước Hồi Giáo Tunisia với bài viết cho biết, phụ nữ nước này khó lòng đấu tranh theo kiểu ngực trần Femen để đòi bình đẳng giới.

Phong trào Femen với hình thức phụ nữ đấu tranh bằng cách để ngực trần tại Ukraina không ngừng lan rộng và đã đến các nước Hồi Giáo trong đó có Tunisia. Thế nhưng, ở đất nước này, đấu tranh theo kiểu Femen hiện là một điều cấm kỵ.

Tờ báo nêu ra trường hợp một phụ nữ tuổi ngoài 20, đăng ảnh ngực trần kiểu Femen trên trang Facbook cá nhân lập tức bị sự phản ứng dữ dội từ xã hội Tunisia. Tờ báo cho biết, đủ mọi thành phần, từ những người có lập trường Hồi Giáo cực đoan đến những nhà đấu tranh nữ quyền đều cho rằng, cô gái này đã đi quá xa khi đấu tranh như vậy.

Trong xã hội Tunisia, định kiến còn khá nặng cho tự do của giới trẻ, đặc biệt là của nữ giới. Tuy vậy, không phải là phụ nữ nước này ai cũng bảo thủ, mà có nhiều thiếu nữ đã « vượt rào » một cách lén lút, như hẹn với bạn trai đến khách sạn, hai người thuê hai phòng ngủ nhưng chỉ sử dụng có một phòng vì khách sạn tại Tunisia không cho nam nữ chưa kết hôn ở chung phòng.

Tóm lại, như tờ báo nhận định, tại Tunisia, muốn đấu tranh hay vượt rào để dành quyền phụ nữ thì cứ đấu tranh, cứ vượt rào, nhưng phải với điều kiện là âm thầm chứ không được công khai rầm rộ như ở những nước khác.

Pháp : Đàn ông đòi quyền bình đẳng với phụ nữ

Cũng liên quan đến hồ sơ bình đẳng giới, Le Nouvel Observateur nhìn về nước Pháp vời bài : “Cuộc chiến giới tính”. Cuộc chiến giới tính mà tờ báo đề cập ở đây không phải là việc chị em phụ nữ cảm thấy bất công, mà là các đấng mày râu tại Pháp đi đấu tranh đòi bình đẳng giới. Số là tại Pháp, hiện trong khoảng 72% vụ ly hôn tòa án quyết định giao quyền chăm sóc con cho người mẹ. Thế là các ông bố cho là chính quyền đã quá thiên vị phụ nữ và đã tước đi của họ quyền được nuôi con. Phương cách đấu tranh đòi quyền nuôi con của các ông bố tại Pháp khá lạ: Các ông bố tuổi ngoài 30 có người thì leo lên mái nhà, có người thì lên mái nhà thờ, có người thì leo lên cần cẩu của những công trình xây dựng !





 

 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-21/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link