Thursday, July 3, 2014

Tin Tong Hop 3.07.2014

Quốc hội không ra nghị quyết là rất nhất quán


Đến nay đã tròn 2 tháng kể từ khi Trung Quốc đóng cọc cái giàn khoan 981 vào tim người Việt Nam. Rồi liên tục tiếp theo đó là xây ào ạt căn cứ quân sự tại đảo Gạc Ma, xây "trường học" ở Hoàng Sa, phát hành bản đồ lưỡi bò 10 đoạn, và hàng ngày cho phi cơ tàu chiến quần thảo một vùng biển lớn quanh giàn khoan.

Người dân Việt Nam sôi sục chờ đợi nhà cầm quyền lần này phải có thái độ và hành động đối phó để tỏ rõ lòng cương quyết bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, đặc biệt khi họ mỗi lần trấn áp người dân biểu tình đều viện lý do "hãy để nhà nước lo". Sự sôi sục đó đã đụng phải bức tường kinh ngạc về thái độ im lặng hoàn toàn của "tứ trụ", của Bộ Chính Trị, của Hội nghị Trung Ương Đảng.

Chỉ đến khi có tin Quốc Hội khóa 13 bàn về vấn nạn giàn khoan, người dân mới lại hy vọng “cơ quan quyền lực cao nhất nước” này sẽ làm đúng vai trò đại biểu cho lòng dân. Đặc biệt sau khi có tin Quốc Hội Nhật ra nghị quyết lên án hành động của Bắc Kinh dù vùng biển Hoàng Sa không phải của Nhật thì ai cũng đinh ninh thái độ của Quốc Hội Việt Nam chắc chắn phải khá hơn
nhiều.

Nhưng đến ngày tuyên bố bế mạc 24/6/14, sự trông chờ ấy đã biến thành nỗi thất vọng ê chề. Không có một nghị quyết nào về Biển Đông cả, nhưng lại có nghị quyết về “Kéo dài thời hạn đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân”; nghị quyết về "Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"; và nghị quyết về “Chất vấn và trả lời chất vấn”.

Các quan chức quốc hội liền được phân công giải thích vòng vo, chẳng hạn như một cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Quốc hội Việt Nam chưa ra nghị quyết riêng về Biển Đông vì tình hình chưa đặc biệt nghiêm trọng”. Như thế nào mới đủ nghiêm trọng? Chuyện gia hạn thuê đất, tiết kiệm, và chất vấn đủ "đặc biệt nghiêm trọng" và nghiêm trọng hơn chuyện chủ quyền đất nước bị xâm phạm ư?

Càng giải thích vòng vo càng làm dân bực vì loại giải thích đó coi trí óc của dân quá tầm thường. Câu hỏi đầu tiên hiện lên trong đầu nhiều người là: nếu ngồi trong phòng lạnh, ngay tại thủ đô, và chỉ ra nghị quyết, tức là chỉ nói thôi mà giới lãnh đạo hiện nay cũng run rẩy, không dám nói, thì làm sao có cái gọi là "kiên quyết bảo vệ tổ quốc" chống lại hải quân Trung Cộng ở tận ngoài khơi xa xăm? Sự giả dối và hèn nhát chưa bao giờ hiện rõ tới như vậy.

Nhưng ngược lại, cũng có người ráng nhìn theo hướng lạc quan. Ít là lần này Quốc Hội còn được bàn đến chuyện Biển Đông. Nhiều người còn nhớ khi ông Nguyễn Phú Trọng còn làm chủ tịch Quốc Hội, chuyện Biển Đông luôn bị gạt ra khỏi nghị trình với lý do: "Không có diễn biến gì mới ở Biển Đông". Trong lúc ấy, hết tàu cá này đến ngư dân Việt khác bị "tàu lạ" đâm, bắt, đánh, bắn, và giết không khác gì hiện nay.

Xét cho cùng, trách riêng Quốc Hội cũng không mấy công bằng vì toàn bộ cơ chế của đảng CSVN đều như thế cả:

Thứ nhất, khác với Quốc hội Nhật hay Quốc hội Phi, các đại biểu do nhân dân nước họ bầu lên nên khi Trung Quốc đụng đến, họ đều phản ứng quyết liệt và ra nghị quyết thể hiện quyết tâm của đại đa số cử tri. Quốc hội Việt Nam ngay trong định nghĩa đã là cây kiểng trang trí của đảng CSVN, với hầu hết các đại biểu là đảng viên CSVN và một số rất ít còn lại cũng phải do đảng đề cử. Và khi chủ quyền bị công khai lấn chiếm như hiện nay mà từ Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và toàn thể Bộ chính trị đều không dám lên tiếng, hoặc chỉ thầm thì vài câu bá vơ với vài tổ dân phố, thì ai tại Quốc hội dám ra nghị quyết?

Thứ hai, chỉ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bạo miệng được một câu tại Philippines rằng: “…nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” mà sau đó phải mất biết bao nhiêu quan chức và trang mạng của nhà nước chạy theo để ráng xóa nhòa đi, gỡ gạc lại, và ráng bày tỏ lòng hối hận đã lỡ nói như thế. Thật vậy, trang điện tử của chính phủ đã đăng liền bài thương tiếc "chén nước đầy tình nghĩa bị đổ đi"; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (tức Văn phòng Thủ tướng) Nguyễn Văn Nên ráng gỡ gạc lại giùm sếp: Việt, Trung "vẫn có thể ngồi lại với nhau được", v.v... Rồi khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam, đích thân Nguyễn Tấn Dũng phải xin "làm lành", phải bắt báo đài đăng hình ôm hôn thắm thiết Dương Khiết Trì, đúng với hình ảnh "đứa con hoang đàng trở về nhà". Nếu Nguyễn Tấn Dũng lỡ lời mà đã phiền đến thế, thì làm sao để cho Quốc hội bạo miệng được?

Thứ ba, sự ngần ngại, sợ hãi trong nội bộ lãnh đạo đảng CSVN càng gia tăng sau khi Bắc Kinh ra chỉ thị "BỐN KHÔNG ĐƯỢC" vào ngày 17/6/2014, tức một ngày trước khi họ Dương đến Việt Nam, bao gồm:

1.                  Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).
2.                  Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận ở Việt Nam về chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).
3.                  Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải (Biển Đông).
4.                  Không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Liền sau chỉ thị Bốn Không Được này, lãnh đạo đảng đã cho hàng ngũ đảng viên học tập gấp rút để quán triệt quan điểm: Chống Tàu là thua; Phải biết sợ Tàu thì mới sống còn; Nhất quyết không để xung đột xảy ra v.v... Thế thì làm sao Quốc hội được phép tỏ thái độ "không sợ Tàu" hay "hỗn với Tàu" qua một nghị quyết chính thức được?

Thứ tư, khi chính ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người đứng đầu quân đội của một nước, mặc quân phục, đeo hàm tướng và huy chương đầy ngực, đã làm tấm gương lớn về lòng sợ hãi ngay giữa hội nghị quốc tế Shangri-la ở Singapore với lời ca ngợi “quan hệ đôi bên vẫn tốt đẹp” sau vài chuyện lục đục nhỏ trong gia đình, thì bảo sao các bộ trưởng và các ủy viên trung ương không-quân-sự khác lại không sợ xanh mặt khi nhắc tới Bắc Kinh? Và tất cả các bộ trưởng, các ủy viên Trung ương đảng đó đều là đại biểu quốc hội cả, thì quốc hội kiếm đâu ra ai có gan để bỏ phiếu cho nghị quyết?

***

Dĩ nhiên, lãnh đạo đảng biết là dân biết đảng đang sợ. Lãnh đạo đảng rất nhạy cảm về mặt này và nhất quyết không để dân vì thấy lãnh đạo đang sợ Tàu mà nhân thể lấn tới.

Nên để bù lại, các cấp cai trị từ lãnh đạo trung ương xuống đến cậu công an phường trong thời gian gần đây đều gia tăng mức độ hằn học, nỗ lực tích cực chứng minh hàng ngày rằng ĐẢNG CHỈ SỢ TRUNG QUỐC CHỨ QUYẾT KHÔNG SỢ DÂN -- quyết không để dù chỉ một người dân ra đường lớn tiếng phản đối Trung Cộng xâm lược.

DienDanCTM


Trằn trọc tháng bảy (tiếp theo)


Có ba vấn đề khác nhau:
- Về đường lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông thì Trung Quốc vô lý hoàn toàn, Việt Nam dứt khoát phải cùng với các nước vừa kiện vừa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn như liên kết với Hoa Kỳ, lập liên minh phòng thủ Biển Đông, vân vân, Việt Nam không có lý do gì lảng tránh việc này.
- Về những giàn khoan ngang ngược, cũng giống như việc đường lưỡi bò nhưng phức tạp hơn vì ranh giới chồng chéo và cũng liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa, có thể phát sinh nhiều luận điểm, tuy nhiên vẫn phải kiện, và đừng quên nếu không có sức mạnh thực tế thì cũng không đẩy được chúng đi. Nói chung, việc kiện ra các tòa án quốc tế, dù hiệu quả ít hay nhiều vẫn phải tiến hành, để vạch rõ chính nghĩa, vì danh dự dân tộc hoặc tạo hồ sơ giải quyết sau này.
- Riêng Hoàng Sa (và có thể cả Trường Sa) thì khó khăn hơn nhiều, dân đã có kiến nghị yêu cầu nhà nước phải kiện Trung Quốc, nhưng nhà nước thì lưỡng lự, chập chờn, không chuẩn bị gì, bây giờ quyết định không kiện gì hết (?), mà chỉ tuyên truyền (chắc là để xoa dịu cho dân yên tâm) [theo thông tin mới nhất thì Thủ tướng đã giao các cơ quan củng cố hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông; xem ở đây – BVN]! Ở đây có nhiều điều cần thảo luận.
Trước hết phải đau lòng thừa nhận rằng việc Hoàng Sa - Trường Sa nếu kiện ra Liên Hiệp Quốc thì khả năng thua nhiều hơn thắng. Tại sao?
Đồng ý rằng về pháp lý công hàm Phạm Văn Đồng (trả lời Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó họ khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc) không có giá trị “mua bán”, vì người ta không thể bán cái không có trong tay mình, vì không có sự đồng thuận của chính phủ ở nửa nước miền Nam, hoặc vì chưa thông qua Quốc hội, vân vân.
Nhưng trách nhiệm của Công hàm Phạm Văn Đồng lại nguy hại ở ý nghĩa khác. Đối với Hoàng Sa - Trường Sa công hàm Phạm Văn Đồng tuy không có giá trị pháp lý của một giao kèo mua bán hay sang nhượng, nhưng có giá trị của một bản tuyên bố chính thức, minh định nhận thức và lập trường của chính phủ Việt Nam, để Trung Quốc và thế giới được rõ, rằng Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc (đã là của Trung Quốc thì đương nhiên không phải của Việt Nam, Việt Nam chúng tôi không liên quan gì đến các quần đảo đó!)
Một người khách quan đọc bản công hàm ấy ắt phải hiểu như thế. Nếu có kẻ nào còn mơ hồ tưởng lầm Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam thì hãy xem thêm các bản đồ và sách giáo khoa của Việt Nam sẽ rõ! Phạm Văn Đồng đã giúp Trung Quốc chu đáo đến thế là cùng.
Trong công hàm Phạm Văn Đồng không cần có nửa lời về Hoàng Sa - Trường Sa là đương nhiên, vì đã minh định Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc thì cũng như các đảo Bành Hồ, Trung Sa… chứ liên quan gì đến Việt Nam đâu mà phải đề cập? Đã của Trung Quốc, không phải của Việt Nam thì Trung Quốc cứ tự nhiên sử dụng, cần gì đến chuyện “mua bán” hay sang nhượng?
Một sự phủ định chủ quyền thản nhiên và sạch trơn như vậy còn tai hại hơn một giao kèo bán đất rất nhiều, vì nếu “bán” thì trước khi bán Hoàng Sa - Trường Sa vẫn còn là của Việt Nam, sau này còn có thể chuộc lại, nhưng khẳng định như Phạm Văn Đồng có nghĩa là từ trước chí sau Hoàng Sa - Trường Sa không liên quan gì đến Việt Nam cả. Chu đáo đến thế thì con cháu bây giờ hết chỗ cựa (nếu cãi lại sẽ sẽ phạm luật estoppels).
Là người Việt Nam dù với chính kiến nào, không ai muốn hải đảo nước mình rơi vào tay Trung Quốc, nhưng giải pháp “khôn ngoan” muốn hạ thấp trách nhiệm của công hàm Phạm Văn Đồng để vừa thoát khỏi ràng buộc với Trung Quốc mà vẫn bảo vệ được uy tín cho Đảng Cộng sản e rằng bất khả thi.
Bây giờ, sau nửa thế kỷ mới trưng các bản đồ lịch sử ra, xét về tình, thế giới có thể thông cảm, nhưng về lý, mình đã trói mình quá chặt thì cũng khó gỡ ra, ấy là chưa kể lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh.
Tự chối bỏ chủ quyền thì còn tai hại hơn bán chủ quyền. Vì thế, đối với Hoàng Sa - Trường Sa kiện thì cứ kiện, nhưng chỉ có thể giải quyết trong một giải pháp trọn gói, chống lại toàn bộ sự xâm lấn của Trung Quốc cả ở biển đảo và trên đất liền.
Thật vậy, việc xâm chiếm Việt Nam đâu chỉ giới hạn ngoài biển đảo? Nào ai biết đã có bao nhiêu văn bản ký kết tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm dần lãnh thổ Việt Nam, đi đôi với việc xâm lấn nhân sự vào các cấp lãnh đạo từ tỉnh huyện đến Trung ương? Muốn thoát khỏi cái ách Trung Quốc đã quàng rất nhiều vòng vào cổ dân tộc này, tức là muốn “Thoát Trung” chỉ có một con đường duy nhất là từ bỏ thể chế cũ một cách thật sự, để một nhà nước mới, một nhà nước dân chủ, mới có tư cách nhân danh nhân dân chối bỏ những ràng buộc mà chế độ cũ đã ký kết, phương hại đến đất đai, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.
6. Thoát Trung chủ yếu là thoát về chính trị, không phải văn hóa
Lịch sử đưa đẩy hai nước Việt Trung vào cùng một “đại gia đình Cộng sản” là tạo ra cơ hội bằng vàng, nhốt con thỏ và con sói vào cùng một chuồng thành hai anh em ruột, chị em ruột. Thế là toàn bộ chương trình dài hơi nhằm nô dịch Việt Nam, biến Việt Nam thành chư hầu kiểu mới của Trung Quốc được thiết kế trên cái nền Cộng sản, trong đó “quyền đảng” được nâng lên tối đa và “quyền dân” thực tế bị hạ xuống tối thiểu, khiến cho hai đảng cứ tự do làm việc ngầm với nhau, quyết định mọi việc trong quan hệ cá lớn nuốt cá bé, trong khi nhân dân bị đứng ngoài cuộc. Vậy đây là một cuộc cờ chính trị “vĩ đại”, yêu cầu thoát Trung chẳng qua là thoát khỏi sự kìm kẹp chính trị cộng sản khủng khiếp ấy.
Trong tiến trình ràng buộc có sử dụng sự ràng buộc kinh tế, ràng buộc tư tưởng, ràng buộc văn hóa - xã hội, nhưng tất cả chỉ là phương tiện nhằm cái đích nô dịch chính trị. Chính trị là cái nút thắt, cũng là nơi để chiếc chìa khóa mở ra. Nếu hiểu lý thuyết rằng văn hóa hoặc kinh tế là nền móng rồi dồn sức vào các lĩnh vực mênh mông là văn hóa hoặc kinh tế thì chỉ luẩn quẩn mãi trong rừng rậm không có lối ra, có khi gây tác dụng ngược, cuối cùng vẫn bị yếu tố chính trị thắt lại, vì chính trị nhanh tay hơn, ma mãnh hơn văn hóa và kinh tế rất nhiều.
Thật vậy, về văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam tuy có những điều bất lợi nhưng nhìn tổng thể cũng là điều bình thường xưa nay, trong đó có xấu có tốt, có thể điều chỉnh, có yếu tố đã trở thành sức mạnh của Việt Nam. Thế giới có khoảng 200 quốc gia nhưng con sốnhững nền văn hóa lớn thì ít hơn rất nhiều, mỗi nền văn hóa lớn thường tỏa rộng ảnh hưởng ra các quốc gia xung quanh, tạo nên những vùng “địa văn hóa”, “cụm văn hóa” gồm nhiều quốc gia lân cận. Quan hệ quốc tế hiện nay làm cho ranh giới “địa văn hóa” mờ dần đi, ngày càng thâm nhập vào nhau một cách đa phương nên muốn dùng độc quyền văn hóa làm công cụ nô dịch cũng không dễ dàng như trước. Trái lại những giá trị văn hóa dù hình thành ở đâu cũng là thành quả chung của loài người để dùng chung như ta dùng lửa, dùng điện, dùng Internet vậy. Không có gì phải mặc cảm khi một quốc gia nằm trong cụm văn hóa Hy-La hay văn hóa Trung Hoa…
Mặt khác, vì xã hội luôn có hai thành phần tương sinh tương khắc là nhân dân và tầng lớp thống trị nên nền văn hóa nào cũng cấu thành bởi hai nhân tố xung khắc ấy, vừa có mặt nhân văn tích cực của nhân dân, lại có mặt phản dân chủ mà giới cầm quyền khéo dùng làm công cụ để nô dịch dân mình và nô dịch cả dân nước khác, đồng thời tất cả vẫn nằm trong dòng tiến hóa từ lạc hậu đến ngày một văn minh hơn. Khi du nhập những nét văn hóa tích cực luôn phải thanh lọc những yếu tố nô dịch tiêu cực hoặc không phù hợp với tập quán dân tộc mình. Điều này dân tộc Việt Nam đã làm, làm khá thành công nên sau 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn không bị đồng hóa. Tóm lại, thái độ đối với văn hóa là sàng lọc, đồng hóa hoặc tẩy trừ từng phần chứ không nhất thiết phải xử lý trọn gói. Tấm gương biết sàng lọc văn hóa không ai bằng cụ Phan Châu Trinh, xuất thân Nho học, tiếp tận Âu Tây mà biết sàng lọc rất trúng, vừa chống “hủ Nho” vừa chống “hủ Âu” trở thành nhà dân chủ, nhà cách mạng đầu tiên của nước nhà [*]. Cụ chẳng vì chuộng Âu mà phải thoát Á, vì khi đã lệch về một phía thì dễ thiên vị, quên sàng lọc mà tôn sùng cả cái xấu của người ta.
Điều oái oăm với văn hóa Việt Nam là trong khi dòng chảy văn hóa đang từng bước tự hoàn thiện thì có sự du nhập “một nền văn hóa trọn gói” nặng tính ngoại lai và áp đặt, là “văn hóa vô sản” thực chất là “văn hóa cộng sản”, “văn hóa đảng”. Nói văn hóa Cộng sản có tính “trọn gói” vì nó tách biệt hẳn ra thành một khối, không kế thừa, dính vào đâu là nó hủy diệt các giá trị truyền thống ở đó, nên không có khả năng hòa đồng vào bất kỳ nền văn hóa nào. Vì bản chất là phi dân chủ nhưng lại nhân danh dân chủ nên văn hóa cộng sản cộng hưởng ngay với chất mị dân của chủ nghĩa thân dân phong kiến, mà thực chất là vương quyền áp đặt, tôn sùng minh quân, đồng thời làm mất gốc dân chủ và tương thân tương ái của văn hóa bản địa, thay bằng thứ tình yêu giai cấp vừa chật hẹp giữa con người lại vừa mở rộng phi lý vượt biên cương.
Chính nền chuyên chính độc đảng toàn trị Cộng sản đã làm cho quan hệ “quỳ lạy-xin cho” tiêu cực của văn hóa phong kiến trỗi dạy và làm tha hóa xã hội đến mức bệnh hoạn. Tôi hiểu đấy chính là lý do khiến nhà báo Lê Phú Khải phải kịch liệt phê phán thứ “văn hóa quỳ lạy” đang chế ngự xã hội. Một nét tiêu cực của văn hóa phong kiến như thế tưởng đã qua đi, nay gặp môi trường mới thích hợp lại nảy nở thành một tệ nạn, chứ đạo Nho chỉ khuyên người ta đứng thẳng, không khuất phục trước uy vũ (uy vũ bất năng khuất) và con người phải biết tự trọng thì người khác mới trọng mình (nhân tự trọng nhi hậu nhân trọng chi, nhân tự khinh nhi hậu nhân khinh chi), Khổng giáo không khuyên người ta quỳ lạy.
Văn hóa Khổng Mạnh vừa sinh ra Phan Châu Trinh rất dân chủ, vừa sinh ra tên vua Khải Định thích dân quỳ lạy. Cho nên Cụ Phan viết thư hạch tội vua Khải Định 7 điều, trong đó tội thứ nhất là quá tôn quân quyền, cậy quyền thế mà ép dân, tội thứ nhì là không công bằng và tội thứ ba chính là “Chuộng sự quỳ lạy”!
Ngày nay một lực lượng vũ trang ăn lương của dân mà coi dân như cỏ rác, ngang nhiên thách thức “chỉ biết còn Đảng còn mình”, tất nhiên nịnh trên mà nạt dưới, thì chắc chắn người đưa ra khẩu hiệu rất “quỳ lạy” đó không hề đọc sách Khổng Mạnh mà chỉ nhiễm “văn hóa Đảng” thôi.
Nhiều người dân vào đồn công an bị đánh đến phải quỳ lạy, nơi “quỳ lạy” ấy không hề có đạo Khổng, chỉ có “6 điều Bác dạy” (mặc dù lời dạy cũng có câu “với dân phải kính trọng, lễ phép”).
Thuở nước nhà sơ khai, các trí thức chịu ảnh hưởng đạo Nho và văn hóa Trung Hoa rất nhiều, nhưng những Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt đã dùng chính chữ Nho làm vũ khí chống lại Tàu, sức mạnh Nho giáo đã thành sức mạnh dân tộc. Trong khi Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc lại dùng chữ Nho để theo Tàu phản bội Tổ quốc, còn khối kẻ hàng Tàu bây giờ đâu có biết một chữ Nho bẻ làm đôi? Vậy hèn mạt hay anh hùng ít khi do nền văn hóa, chủ yếu do nhu cầu chính trị, vì chính trị gắn với quyền lợi và nhu cầu sinh tồn.
Ngay chuyện bây giờ, khi ta nói sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam phải lệ thuộc Tàu là do Ý thức hệ cộng sản thì cũng chỉ đúng một phần. Đâu có phải cứ hai nước cùng chung Ý thức hệ Cộng sản thì thôn tính nhau? Vấn đề là nước Cộng sản nhỏ muốn tiến hành chiến tranh, rồi lại muốn chống xu thế dân chủ để tiếp tục nắm quyền độc trị thì phải dựa vào nước Cộng sản lớn giúp đỡ, nước lớn vốn rắp tâm xâm lược nên sử dụng sự giúp đỡ làm cái bẫy để bắt Đảng Cộng sản nhỏ bán dần chủ quyền, mặc dù đến nay cả hai bên chẳng ai xây dựng chủ nghĩa Cộng sản gì hết, chẳng ai còn tin vào cái bánh vẽ “thế giới đại đồng”. Vậy bản chất sự lệ thuộc Tàu là do ràng buộc chính trị trong môi trường Cộng sản, như một hệ quả đau đớn của việc chọn con đường Cộng sản, chứ không phải do sự thấm nhuần Ý thức hệ. Ý thức hệ chỉ là yếu tố bắt nguồn lúc đầu. Những kẻ theo Tàu hiện nay là do nhu cầu chính trị, do quyền lợi chứ chẳng vì lý tưởng giai cấp vô sản gì hết.
Lại so sánh chế độ miền Bắc và chế độ miền Nam trước đây về hai mặt Thoát Trung và Khổng học. Miền Nam còn giữ Khổng học rất nhiều, từ sách vở đạo đức, đến quan hệ xã hội nhưng họ dứt khoát Thoát Trung, biểu hiện ở việc chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974, và quy định một số nghề người Hoa không được làm để phòng người Tàu chi phối kinh tế và quốc phòng.
Trong khi miền Bắc khi đó bài trừ Khổng học, coi Khổng học là phong kiến phản động nên phá hết văn chỉ, đem câu đối làm cầu ao, chuồng lợn, đấu tố Nho học, thì lại ôm chân Tàu rất rõ, dập khuôn Tàu, phụ thuộc Tàu đến nỗi sinh ra nguy cơ Bắc thuộc hiện nay. Vậy không phải chống Khổng học thì Thoát Trung mà có khi ngược lại, vì nhiều nét của Khổng học đã được người Việt đồng hóa để thành vốn liếng văn hóa của chính người Việt.
Cuối cùng, xin cảm ơn việc khơi ra cuộc thảo luận Thoát Trung, đã huy động được sự đóng góp từ nhiều phía, làm cho một vấn đề rất hệ trọng được sáng ra, lần đầu tiên được đề cập một cách hệ thống, thiết tưởng là một sáng kiến đóng góp rất hữu ích cho công cuộc Thoát Trung hiện nay.
7. Nghĩ về mấy ngụy biện trong việc chống Tàu xâm lược
Ngụy biện về đoàn kết và phân ly:
Như quy luật của muôn đời, sự đấu tranh để dân chủ hóa luôn luôn là cuộc đấu tranh giữa giới cai trị và giới bị trị, giữa chủ và thợ, nước nào cũng có, ở những mức độ khác nhau. Nhưng Đảng Cộng sản muốn phủ định, coi như cuộc đấu tranh ấy không có trong xã hội ưu việt này, nên dùng khẩu hiệu “ý Đảng lòng dân” để đúc hai khối “cai trị và bị cai trị” thành một khối đồng nhất (nhưng đầy mâu thuẫn bên trong). Dân mà “có ý kiến khác” tức tách khỏi khối đúc ấy thì không phải là dân, Đảng coi là kẻ xấu hay là địch đấy!
- Nay trước tình trạng bị nước Cộng sản lớn xâm lược đang xuất hiện ngụy biện: “Bây giờ phải tập trung chống xâm lược, cả nước phải một lòng, đứng dưới sự lãnh đạo mà chống giặc, trong nước mà còn đấu tranh với nhau là mắc mưu chia rẽ của phản động đấy!”. Lời hô hào nghe cảm động ghê, đoàn kết cả với kẻ nội xâm, nội gián sẵn sàng “mở cửa thành” cho giặc hả?
- Lập trường đúng đắn của Đảng ta là làm bạn với tất cả mọi người, không liên minh với nước này để chống lại nước kia! Nghe sao đạo đức quá, thế sao trước đây lại dựa hẳn vào Liên Xô - Trung Quốc để đánh “Mỹ-Ngụy”, sao bây giờ chỉ liên kết chiến lược toàn diện, thiết lập cả đường dây nóng với quân xâm lược, để đề phòng nhân dân ư?...
Ngụy biện này là để giải thích vì sao Việt Nam không liên minh chiến lược với Hoa Kỳ, nhưng nội bộ Đảng giải thích với nhau nếu liên minh với Hoa Kỳ thì mất Đảng! Vẫn biết nếu liên minh với Hoa Kỳ thì sẽ không mất nước, nhưng thà mất nước còn hơn là mất Đảng! Thế là rõ!
- Nhiều nhà nghiên cứu, bình luận cứ phát hiện “con đường cho Việt Nam”, “lối thoát cho Việt Nam”, “giải pháp tối ưu cho Việt Nam” mà không biết rằng bây giờ làm gì có “Việt Nam” như một khối thống nhất. Như ông Lê Hồng Hà nhận xét “Đảng bây giờ chỉ còn mỗi chức năng là cản trở sự phát triển của dân tộc”, vậy thì bài toán cho chính quyền Việt Nam và bài toán cho nhân dân Việt Nam là hai bài toán đáp số ngược nhau, đáp số tối ưu cho bên này sẽ là tai họa cho bên kia, làm gì còn khái niệm “Việt Nam” chung chung?
* Ngụy biện về cương và nhu
Bất đắc dĩ phải tuyên bố công khai mâu thuẫn với Trung Quốc (về lãnh hải thôi, còn những mâu thuẫn khác vẫn giấu biệt), nhưng không cho dân bộc lộ sự phẫn nộ, mà khuyên “phải bình tĩnh, chuyện lâu dài không nóng vội, mâu thuẫn như anh em trong nhà, mình phải chung sống lâu dài với nước bạn, bát nước đổ đi khó bốc lại, ta cần mềm dẻo giữ hòa bình để phát triển kinh tế…”.
Ai cũng biết cương quá hay nhu quá đều không tốt, nhưng lúc cần nhu lại cương, lúc cần cương lại nhu thì thật quái đản.
Có một danh ngôn “kẻ nào chấp nhận nhục nhã để tránh chiến tranh cuối cùng sẽ lãnh đủ cả hai thứ đó”. Có cứng rắn, không sợ chiến tranh mới tránh được chiến tranh. Chính sự hèn nhát là thủ phạm rước chiến tranh vào nhà! Còn tình nghĩa anh em ư, nó đập vào mặt, nó nhục mạ cả dân tộc, nó xâm lăng rành rành, nó tè vào cái bát nước hữu nghị, còn anh em nữa ư?
* Ngụy biện về lòng thương dân
Người ta đang giải thích phải chịu nhún nhường Tàu Cộng hết cỡ vì sợ đánh nhau thì nhân dân khổ! Chỉ thương dân thôi!
Ôi chao, cảm ơn! (Giá nói 50 năm trước đây thì hơn).
Sao một bảng thống kê về điều tra, chỉ xếp nhân dân Việt Nam thuộc loại hạnh phúc thứ nhì thế giới thôi nhỉ, chắc vì lúc ấy cơ quan điều tra chưa được “quán triệt” chủ trương rất cảm động này.
H. S. P. (2-7-2014)
Tác giả gửi BVN.
[*] “Nhân vật Phan Châu Trinh và những bài học cho hôm nay/ Sàng lọc và kết hợp văn hóa Đông Tây”:http://www.hasiphu.com/baivietmoi_12.html

 Xem Trằn trọc tháng bảy (phần1)

nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2014/07/



Hoa Kỳ và Anh tăng cường an ninh tại phi trường

3/7/2014
Để đối phó với những đe dọa mới về an ninh, mà chủ chốt đến từ tổ chức khủng bố al-Qaeda, Hoa Kỳ cho biết là đã cho tăng cường hệ thống an ninh tại các phi trường ở ngoài nước Mỹ nhắm vào những chuyến bay đi vào Mỹ, kể cả những chuyến bay đến từ nước Anh.

Bộ Trưởng Giao Thông Anh Patrick McLoughlin nói rằng những biện pháp này nhằm bảo đảm sự an toàn cho dân chúng, và tuy không thể nói rõ những biện pháp này là gì, cũng có thể nói là sẽ không làm phiền gì nhiều đến hành khách.

Một nhân viên Bộ An Ninh Quốc Nội Hoa Kỳ cho biết là việc gia tăng an ninh là để đối phó với những đe dọa và nguy cơ rất thật, theo đó truyền thông Hoa Kỳ tiết lộ là những tổ chức liên hệ với al-Qaeda tại Syria và Yemen đang chế tạo những loại bom có thể đem lậu lên máy bay.

Bộ Trưởng Bộ An Ninh Quốc Nội Hoa kỳ là Jeh Johnson phát biểu trong một thông báo là Hoa Kỳ đang chia sẻ thông tin với những bộ ngoại giao của các nước bạn và đang tham khảo với giới kỹ nghệ hàng không.
Những biện pháp mới sẽ được áp dụng trong những ngày sắp tới.
Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói Bà rất quan tâm về những đe dọa và nói là chúng ta phải rất cảnh giác./.

DienDanCTM


Các nhà nghiên cứu hàng hải Mỹ lên khỏi mặt nước sau 31 ngày dưới biển

Nhà nghiên cứu Fabien Cousteau vẫy chào từ bên trong chiếc tàu Aquarius

VOA - 02.07.2014
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã lên khỏi mặt nước hôm thứ Tư sau 31 ngày ở trong một phòng thí nghiệm dưới biển ngoài khơi tiểu bang miền nam Florida của Mỹ nơi họ nghiên cứu về đời sống sinh vật biển và thu thập các mẫu của một rạn san hô.
Nhiệm vụ do ông Fabian Cousteau, 46 tuổi, cháu trai của nhà hải dương học quá cố người Pháp Jacques Cousteau, dẫn đầu và gồm các nhà nghiên cứu từ ba trường đại học và các nhà làm phim tài liệu.
Các nhà nghiên cứu đã thay phiên nhau xuống độ sâu 18m của bề mặt nước màu lam ngọc ở ngoài khơi khu vực Florida Keys để đến phòng thí nghiệm Aquarius. Chiếc tàu dài 13m với máy lạnh được trang bị Internet, sáu giường ngủ tầng và các cửa sổ để các nhà nghiên cứu có thể quan sát sinh vật biển bất cứ lúc nào.
Nhóm này cho biết thời gian 31 ngày đã xác lập một kỷ lục mới cho thời gian dài sống dưới biển, nhiều hơn một ngày so với kỷ lục cũ của tiền bối Cousteau trong một chiếc tàu tương tự ở Hồng Hải vào năm 1963.

Hải Quân Hoa Kỳ tiến cử phụ nữ đầu tiên làm Đô Đốc

Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ Ray Mabus gắn quân hàm cho bà Michelle Howard, 1/7/14

VOA - 03.07.2014
Lần đầu tiên trong lịch sử 236 năm của hải quân Hoa Kỳ, một phụ nữ được đề cử vào vị trí cao thứ 2 trong lực lượng này. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật rằng bà Michelle Howard được thăng chức hôm thứ ba lên làm đô đốc 4-sao và nhận trọng trách mới là phó trưởng lực lượng hải quân. Bà Howard đã làm nên lịch sử qua sự nghiệp quân đội của mình.
Bà Michelle Howard nhận ngôi sao thứ tư tại một buổi lễ tổ chức ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington cùng với sự chứng kiến của gia đình và những người đồng nghiệp. Bà nói:
“Nếu bạn không tin ngày hôm nay là lần đầu tiên– khi tôi nhập ngũ, gù vai bốn sao dành cho phụ nữ không hề có. Ðã phải mướn một nhà thầu cung cấp đặc biệt và các bạn đang thấy bộ gù vai đầu tiên này trong lịch sử Hải Quân Hoa Kỳ.”
Tư lệnh Hải quân Ray Mabus chính là sĩ quan đề nghị thăng chức:
“Hải quân đã chọn sĩ quan xuất sắc nhất làm chỉ huy phó lực lượng hải quân. Đó là điều duy nhất xảy ra ngày hôm nay.”
Kể từ năm 1982, khi tốt nghiệp Học viện Hải Quân Hoa Kỳ, bà Howard đã đạt được rất nhiều những cái “đầu tiên” trong lịch sử qua sự nghiệp của mình. Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Phi châu đầu tiên đạt được hàm 3-sao trong Quân Lực Hoa Kỳ, và cũng là người phụ nữ đầu tiên đạt được hàm đô đốc trong hải quân. Bà cũng là người phụ nữ Mỹ gốc Phi châu đầu tiên chỉ huy một tàu hải quân.
Chỉ huy trưởng Lực Lượng hải Quân Jonathan Greenert nói vinh dự cũng đồng nghĩa với thêm nhiều nghĩa vụ:
“Bà sẽ mang trên vai gánh nặng là trở thành một thần tượng, và bà sẵn sàng gánh vác trọng trách đó rất tốt. Tôi rất phấn khởi về điều đó vì chúng tôi cần nhiều phụ nữ hơn nữa trong lực lượng hải quân.”
Bà Howard làm việc ở Ngũ Giác Ðài khi xảy ra vụ tấn công 11/9 năm 2001, và năm 2009, bà đã tham gia vào lực lượng đặc nhiệm hải quân được điều đi giải cứu chiếc tàu thương mại Maersk Alabama mang cờ Hoa Kỳ và thuyền trưởng của tàu Richard Philips, người bị hải tặc Somali bắt cóc. Bà cho biết:
“Tôi chỉ mới bắt đầu công việc được 3 ngày khi chúng tôi được tin thuyền trưởng Philips bị bắt cóc.”
Phụ nữ Mỹ phục vụ trong quân đội Mỹ đã phá vỡ nhiều rào cản trong những năm gần đây, và còn có thể thi đua để dành những vị trí mà trước đây không dành cho họ.
Bà Howard  nói sự thăng chức có tác dụng như một sự động viên thêm nữa:
“Quân hàm của tôi ngày hôm nay cho họ thấy rằng họ có thể đi từ cấp dưới lên đến thượng sỹ trong hải quân hoặc từ  thiếu úy đến đô đốc.”
Bà Howard là người phụ nữ thứ 3 trong quân đội Mỹ đạt được hàm 4-sao. Hai người còn lại: một trong Lục quân và một trong Không quân. Ông Mabus nói:
“Chúng ta, trong tư cách một lực lượng hải quân và một quốc gia, chúng ta phải thôi lãng phí nhân tài và khả năng dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc bất cứ điều gì khác.”
Các giới chức quân đội từ mọi các ngành quân đội đã loan báo các kế hoạch đến năm 2016, sẽ mở các vị trí tác chiến cho phụ nữ đạt những tiêu chuẩn về thể lực và thành tích.

[The Fourth of July]  Cám ơn nước Mỹ

Trần Trung Đạo

3 Tháng 7 2014 lúc 13:30
Faneuil Hall, BostonTrong cuộc sống đa đoan và nhiều thăng trầm, trắc trở của tôi, biết bao nhiêu kỷ niệm, biến cố đã trôi qua trong đời kể từ ngày tôi bám vào chiếc xe ba bánh, xa ngôi làng Mã Châu, xã Xuyên Châu, Quận Duy Xuyên thân thuộc.

Những vui, buồn, hy vọng, tuyệt vọng đã đến và đi trong đời sống nhiều đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày đầu tiên của tôi trên đất Mỹ.

Trong trí nhớ của tôi vẫn còn in đậm hình ảnh chiếc Boeing của hãng Northeast bay ngược chiều kim đồng hồ đưa chúng tôi từ Manila đến phi trường Chicago vào một ngày cuối tháng 11 năm 1981. Giọng người nữ tiếp viên hàng không êm ái cất lên lời tạm biệt. Tôi không hiểu hết nhưng đại khái biết rằng cô ta vừa chào mừng chúng tôi sắp đặt chân lên đất Mỹ. Tôi tự nhủ, “quãng đời lưu vong thật sự sắp bắt đầu”. Bên ngoài trời đẹp nhưng xa lạ.

Như lời bà hướng dẫn viên người Phi dặn dò trước khi lên máy bay, chúng tôi, tay cầm chặt chiếc túi đựng hồ sơ tỵ nạn có chữ ICM thật lớn, sắp một hàng dài dọc theo hành lang phòng đợi để khỏi bị lạc.

Người đầu tiên ra đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt trẻ đẹp, có lẽ còn là sinh viên và đang làm việc cho cơ quan thiện nguyện. Một ông Mỹ già đẩy đến cho cô ta một thùng áo quần và lặng lẽ bỏ đi. Theo lịch trình đã được ấn định trước, tại Chicago chúng tôi sẽ được cấp phát áo ấm mùa đông trước khi chuyển máy bay về địa điểm định cư cuối cùng trong hành trình tỵ nạn. Trạm cuối của tôi là Boston.Tôi biết và kính trọng thành phố Boston văn hóa lịch sử, qua nhiều môn học, nhưng chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ là nơi tôi gửi gấm phần đời còn lại của mình.

Người con gái đẹp mà tôi không dám hỏi tên, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tất cả đều cùng một cỡ như nhau. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn chiếc áo ấm dày cộm rộng thùng thình hoàn toàn tương phản với bầu trời nắng chang chang bên ngoài. Hiểu ý, với giọng Huế nhẹ nhàng, người đẹp dạy cho chúng tôi, những lưu dân đến từ vùng nhiệt đới, bài học đầu tiên về thời tiết nước Mỹ: “Ngó vậy mà không phải vậy đâu. Trời gạt mấy anh đấy. Ra ngoài không áo ấm vài phút là chết cóng”. Ngừng một chút, nàng cười tinh nghịch: “Ai không tin bước ra thử thì biết”. Nghe cô ta nói vui vui, tôi cũng định đáp lại bằng vài lời tán tỉnh nhưng chợt nhớ ra đây không phải là quán cà-phê trên đường Duy Tân cây dài bóng mát mà là thân phận hẩm hiu của một người tỵ nạn chân vừa chạm đất quê người, nên đành im lặng.

Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông dài rét buốt.

Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ, không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ. Người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa. Tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách hay không.

Tôi thường gọi đất Mỹ nầy là đất tạm dung, trạm dừng chân của tôi và hàng triệu đồng bào tôi, trên quãng đường dài lưu lạc. Tôi trả thuế cho nước Mỹ căn cứ vào những lợi tức mà tôi thu nhập được. Đó không phải là một nghĩa vụ thiêng liêng theo kiểu “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã đóng góp được gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country) của cố TT Kennedy. Nước Mỹ không phải là “country” của tôi. Tôi trả thuế nhưng đó không thể gọi là đóng góp. Đóng góp hàm ý nghĩa thiêng liêng, tự nguyện trong lúc trả thuế là một điều luật pháp bắt buộc tôi phải làm nhằm trang trải cho các khoản chi dùng công cộng.

Ngày tôi đưa tay tuyên thệ làm một người Mỹ vừa được công dân hóa sau năm năm thường trú, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui, tủi thẹn nhiều hơn tự hào. Một tên Mỹ da vàng không quê hương, không tổ quốc, ngơ ngơ ngác ngác giữa quê người, có gì đáng để mừng vui. Viên thư ký sở nhập tịch hỏi tôi theo thủ tục có muốn thay cái tên cúng cơm của tôi bằng tên Mỹ. Tôi lắc đầu. Nhiều người đã chọn đổi tên. Một số người làm như thế chỉ để dễ kiếm công ăn việc làm nhưng cũng một số khác để chứng tỏ mình biết hội nhập vào đời sống Mỹ. Việt Nam, với nhóm người sau, đã đồng nghĩa với một thời quá vãng.

Tự  do, vâng, tôi may mắn tìm được tự do nhưng đó chỉ  là tự  do cho chính bản thân mình. Ngồi trên thềm tòa nhà lịch sử Fanueil Hall ở Boston sau giờ tuyên thệ tôi làm bốn câu thơ lục bát để kỷ niệm ngày thành công dân Mỹ:

Mặt mày hớn hở vui tươi
Sao lòng nghe thẹn làm người tự do
Của nầy là của trời cho
Của ta đánh mất không lo đi tìm.

Năm 1999, vợ chồng tôi quyết định dời sang một tiểu bang khác nếu công ăn việc làm thuận tiện hơn. Tôi được một công ty chuyên về Internet ở miền Tây Nam phỏng vấn bằng điện thoại. Kết quả rất khả quan. Họ hứa hẹn rất nhiều, từ việc giúp chúng tôi di chuyển cho đến việc tạm cư trong thời gian đầu. Quyết định rời khỏi tiểu bang Massachusetts, về mọi phương diện, vật chất cũng như tinh thần, là một quyết định lớn của gia đình tôi. Sau này tôi không rời tiểu bang mà chỉ dời sang thành phố khác cũng thuộc Massachusetts. Dù sao chúng tôi cũng quyết định bán căn nhà ở Dorchester cho một người quen. 

Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên tôi khám phá ra rằng nước Mỹ với tôi không phải là đất tạm dung. Cảm giác đêm cuối cùng, cách đây gần 20 năm khi tôi xa Sài Gòn, đã trở lại với tôi lần nữa. Tôi sắp sửa rời xa một căn nhà, một nơi chốn thân thương. Căn nhà trên đường Thornley Street là nhà của tôi, Dorchester là thôn xóm của tôi và Boston là thành phố của tôi. Nước Mỹ đã cho tôi nhiều hơn tôi trả lại cho nước Mỹ.

Ân huệ mà đất nước nầy đã cho tôi không phải chỉ là tự do nhưng còn là cơ hội và hy vọng, những điều tôi đã không tìm thấy trên quê hương ruột thịt của mình. Hy vọng không phải là giấc mơ huyền ảo mà là một điều có thực và là chất sống cần thiết để nuôi dưỡng một con người phải không ngừng tranh đấu để sống còn như tôi. Nước Mỹ gắn bó với cuộc đời tôi nhiều hơn tôi gắn bó với nước Mỹ.

Đêm cuối trong căn nhà cũ, lần đầu tiên, tôi nghĩ về đất nước đã cưu mang tôi trong suốt gần 20 năm nhiều thay đổi của đời tôi với một tấm lòng biết ơn và trân trọng chân thành.

Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi nằm nhớ lại bàn tay người lính hải quân Mỹ của chiến hạm USS White Plains vói xuống để nhấc thân hình ốm o, đói khát của tôi lên khỏi chiếc cầu dây đong đưa bên thành tàu.  Chiếc cầu dây mong manh tôi bám để leo lên chiến hạm trở thành chiếc cầu biên giới, không chỉ cách ngăn giữa độc tài và tự do, của quá khứ và tương lai, mà còn giữa có quê hương và thiếu quê hương.

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi mới sực nhớ ra rằng, tôi chưa bao giờ nói một tiếng cảm ơn những thủy thủ đã cứu vớt tôi trong đêm hãi hùng trên biển Đông năm ấy. Lẽ ra, ít nhất mỗi năm một lần, tôi nên gởi một tấm thiệp Giáng Sinh kèm theo lời cảm ơn về địa chỉ của chiến hạm USS White Plains ở bộ Hải Quân Mỹ. Tôi tệ đến nỗi một việc làm đơn giản như thế mà bao nhiêu năm qua tôi vẫn chưa làm được.

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ tôi nằm ôn lại một khoảng đời 20 năm, từ hai bàn tay trắng đến khi có được một gia đình êm ấm. Hẳn nhiên nỗ lực của chính tôi không thể nào thành đạt nếu không có những cơ hội đã được mở ra từ xã hội Mỹ. Nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và mọi người đều có quyền có một American Dream.

Đêm cuối cùng trong căn nhà cũ, tôi nghĩ về con đường Dorchester mà tôi mỗi ngày mấy bận đi qua. Giống như đường Santa Clara ở San Jose, Bolsa ở Nam California, Colonial ở Orlando, đường Dorchester là xương sống của xóm Dorchester chúng tôi. Bao nhiêu người đã ăn nên làm ra cũng nhờ vào con đường nầy, mặc dù không phải ai cũng biết ơn nó, không phải ai cũng nhớ tới nguồn gốc của chính mình, không phải ai cũng nhớ đến những ngày đầu tiên đi sắp hàng mua từng vỉ cánh gà, từng gói mì ăn liền bằng Food Stamps trong cái rét căm căm của miền Đông Bắc.

Trên con đường đó mỗi buổi sáng tôi đã gặp hàng trăm em bé Việt Nam sắp hàng ở góc đường chờ xe bus đưa đến trường. Những chiếc xe bus màu vàng nối đuôi nhau đưa các em đến tương lai huy hoàng của nước Mỹ. Nói như cựu tổng thống Bill Clinton, các em là chiếc cầu của tương lai hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Các em may mắn quá. May mắn lớn nhất không phải chỉ vì các em được làm công dân của một cường quốc nhưng quan trọng hơn, các em không phải sống trong những ngày cháo rau khoai sắn như hàng triệu đứa trẻ cùng thế hệ các em bên kia bờ trái đất. Các em sẽ không bao giờ hiểu thế nào là “kế hoạch nhỏ”, “trồng cây, trồng người”. Các em sẽ lớn lên, vươn lên trong cuộc đời một cách hiên ngang, không sợ hãi.

Nhà văn Trần Hoài Thư đến Boston nhiều lần và cũng đã yêu mến một cách say mê con đường Dorchester như chính tôi đã và đang yêu mến. Anh Trần Hoài Thư có lần viết về thành phố Boston: “Con đường Dorchester qua những tiệm ăn, tạp hóa Việt Nam. Và một khu Việt. Và những gương mặt da vàng. Và những lời trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ vang trên bãi đậu xe. Đời sống vẫn bận rộn. Cõi lòng vẫn quay quắt. Nhớ nhung vẫn bão bùng. Bạn hữu mấy thằng trôi thất tán. Mấy thằng đợi một chuyến đò ngang…Cái mẫu số chung ấy là mẫu số của bất cứ người tị nạn nào trong chúng ta…Cám ơn Boston với những con tim kỳ diệu. Nếu không có những con tim này, tôi nghĩ, chắc chắn sẽ không có Trần Trung Đạo”.

Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ có một quê hương. Ngoài quê hương Quảng Nam Đà Nẵng ở Việt Nam, tôi còn có một quê hương khác, quê hương Boston trên nước Mỹ này.

Trần Trung Đạo
(viết ngắn lại từ bút ký Hai Gánh Quê Hương. Toàn văn của Hai Gánh Quê Hương có thể đọc ở đây: http://thatsonchaudoc.com/banviet2/TranTrungDao/HoiKy/HaiGanhQueHuong.htm)
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link