Friday, October 3, 2014

CSVN Dùng từ bị Xúi giục



Xúi giục 
Tuấn Khanh


Trong cuộc biểu tình đáng kính trọng của người Hồng Kông trong cuộc đứng lên đòi quyền phổ thông đầu phiếu và đòi dân chủ, nhà nước cộng sản Trung Quốc sử dụng lại một chiêu bài cũ khi hô hoán rằng Hoàng Chi Phong (Josua Wong) là một sản phẩm kích động của phương Tây, bị xúi giục để gây mất ổn định cho đời sống bình yên tại Hồng Kông.

Tờ Văn Hối của Bắc Kinh, ngày 25 tháng 9, đã dành cả một trang để bôi nhọ Hoàng Chi Phong, và nhắc đi nhắc lại chàng trang 17 tuổi này là một sản phẩm của phương Tây, bị xúi giục, nghe lời bọn phản động để chống lại nhân dân. Tờ báo này kêu gọi 7 triệu người dân Hồng Kông hãy bình tĩnh để nhận thức đúng, không sa vào bẫy của bọn “phản động”.

Đáp lại những tố cáo bài bản này, vốn là bùa phép nằm lòng của giới cộng sản toàn thế giới, cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông lại bùng lên. Trong những hình ảnh mà chính giới kiểm duyệt chính trị Việt Nam cũng muốn ém nhẹm, người ta nhìn thấy có người già, trẻ em cùng tham gia cho nền dân chủ. Người Hồng Kông lo sợ cuộc đấu tranh này sớm chấm dứt nên đổ ra đường tiếp tế cho người đấu tranh mọi thứ, từ khăn nhúng nước, chanh, áo mưa, dù… để chống hơi cay rồi thực phẩm dồi dào đến mức giới sinh viên phải năn nỉ xin tạm dừng nhận tiếp tế vì sợ sẽ xả rác đầy đường phố.

Thế kỷ 21, giờ thì chẳng ai còn bở ngỡ với các chiêu bài tố cáo “bị kẻ xấu xúi giục” được phát đi từ các cấp chính quyền cộng sản. Bởi những giọng điệu này quen thuộc đến buồn nôn. Nó quen đến mức đôi khi tôi tự hỏi những người viết ra nó ở tờ Văn Hối, Trung Quốc hoặc những kẻ được lệnh cầm loa ở chợ Tân Bình, Việt Nam hối thúc giới tiểu thương bị cướp tài sản hãy mau trở về nhà “đừng nghe bọn xấu, bọn phản động xúi giục”, có bao giờ hối tiếc vì sự vô liêm sỉ của mình hay không?

Cả hai sự kiện này đều phát đi vào ngày 25 tháng 9/2014. Cộng sản Trung Quốc nói để huỷ diệt sức sống tự do của một phần quốc gia, còn ở Quận Tân Bình, chính quyền địa phương cố nói để bóp chết sức sống mưu sinh của đồng bào mình. Hai nơi, cùng ngày giờ, cùng diễn ra một bài lý luận bẻ cong sự thật rất đều nhịp như trong tình thầy trò, rộn ràng bỉ ổi khó tin.

300 tiểu thương ở chợ Tân Bình cực chẳng đã mới phải xuống đường để chống lại bạo cường và cướp bóc của chính quyền địa phương. Chỉ vì mưu lợi riêng, chính quyền ở đây đã quyết định đập đi ngôi chợ một cách vô lý, nhằm lấy đất xây lại, bán chỗ với giá cao hơn. Một người buôn bán ở đây nói họ đầu tư cả tỷ đồng để rồi biết chỉ được đền vài chục triệu. Sau đó lại phải mua chỗ với giá đầu tư từ đầu. Nếu bị nghe lời bọn xấu trục lợi “xúi giục” – thì chắc chắn chỉ có cẩu quan chứ không thể dân đen.

Buổi tối ngày 28 tháng 9, người Việt Nam quan tâm đến tình hình đòi dân chủ ở Hồng Kông đều biết đến các bản video của giới sinh viên Hồng Kông kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài. “Hãy lên tiếng cùng chúng tôi”, bản tin có thể làm trái tim người dồn dập đập vì lẽ phải, công lý bừng lên trong mình.

Ngày 28 tháng 9, người Việt được tường thuật rằng các tiểu thương chợ Tân Bình kêu gọi giúp đỡ, nhưng khẩu hiệu là “cụ Hồ vinh quang ơi, đảng vinh quang ơi hãy cứu chúng tôi”.

Có cái gì đó ngượng ngập, nhưng không thể không nói ở đây. Những người trẻ ở Hồng Kông kêu gọi mọi người giúp đỡ họ, còn những người ở chợ Tân Bình thì kêu gọi “cụ Hồ” và “đảng” cứu họ. 

Chẳng lẽ những người tiểu thương đó không biết rằng việc ký giấy xoá sổ chợ Tân Bình, xoá sổ chính họ là từ những đảng viên cấp cao của địa phương đó? Và “cụ Hồ” dù trong quá khứ là một lãnh tụ nhưng nay chỉ là tên gọi của một người quá vãng. Những người tiểu thương Việt Nam đang mộng mơ gì trong cuộc đấu tranh của họ?

Tôi thấy chỉ trong một đêm, cả thế giới dồn dập đưa tin về Hồng Kông như một cuộc tiếp sức khổng lồ. Giới trẻ Việt Nam cũng trong một đêm, không ai hẹn ai, bùng phát nhiều bản video thuyết minh lời kêu gọi của sinh viên Hồng Kông như một cách chia sẻ. Lời kêu gọi của những người tranh đấu thực tiễn đã đến đúng nơi.

Và tôi cũng nhìn thấy lời kêu cứu của những tiểu thương chợ Tân Bình, Việt Nam, như muôn ngàn cuộc đòi công lý khác – nếu cứ mộng mơ – rồi sẽ đi về đâu, kết cục là gì.


Làn Sóng Bất Tuân Dân Sự Tại Hồng Kông 
Lý Thái Hùng


Kỷ niệm năm thứ 7 (2007-2014) Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động mồng 2/10 năm nay, nhân loại vừa ngạc nhiên, vừa thích thú theo dõi làn sóng bất tuân dân sự do một số sinh viên Hồng Kông lãnh đạo đang đẩy nhà cầm quyền Bắc Kinh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong các ngày vừa qua.

Vào thập niên 1930, khi khởi xướng phong trào giành độc lập bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động, ông Mohandas Gandhi đã để lại một câu nói bất hủ: “Nguồn lực bất bạo động là sức mạnh lớn nhất trong tầm tay nhân loại. Tinh thần bất tuân dân sự nếu được tổ chức quy mô sẽ mạnh hơn vũ khí có sức tàn phá lớn nhất mà con người có thể phát minh.”

Sức mạnh của tinh thần bất tuân dân sự mà ông Gandhi nói ở trên đang tái diễn tại Hồng Kông, khi sinh viên Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) 17 tuổi, thủ lãnh trẻ nhất của sinh viên Hương Cảng đã tuyên bố: “Dân không nên sợ chính quyền. Chính quyền hãy biết sợ người dân."

 Làn sóng bất tuân dân sự tại Hồng Kông đã bắt đầu bằng cuộc tọa kháng của sinh viên tại các khuôn viên đại học vào ngày 22/9 để phản đối quyết định mang tính áp đặt của chính quyền Bắc Kinh khi buộc các ứng viên tham gia cuộc bầu cử năm 2017 phải có sự chấp thuận của một ủy ban do Bắc Kinh chỉ định.

Ngày hôm sau, cuộc tọa kháng của sinh viên đã lan ra đường phố khi hàng ngàn người dân và sinh viên đã chiếm đóng Trung tâm hành chính của Đặc khu Hồng Kông để yêu cầu ông Lương Chấn Anh (Lueng Chun-ying) Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông phải từ chức và đòi hỏi Bắc Kinh phải cho bầu cử tự do vào năm 2017.

Cuộc đấu tranh đã có lúc bị đe dọa trầm trọng khi chính quyền Hồng Kông cho lực lượng cảnh sát bắn lưu đạn cay và xịt nước vào đoàn người đi biểu tình ngày 28/9. Đồng thời thủ lãnh sinh viên tranh đấu Joshua Wong đã bị bắt giữ.

Hình ảnh cảnh sát đàn áp cuộc biểu tình cùng với những hình ảnh nắm tay nhau bám giữ khu vực tọa kháng của hàng ngàn sinh viên trong mưa và trong khói cay, đã nhanh chóng loan tải trên các kênh truyền thông, mạng xã hội và đã dấy lên một xúc động cực mạnh trong dư luận thế giới.

Nguyên thủ của nhiều quốc gia phương Tây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và cả đức Tổng Giám Mục Tutu ở Nam Phi đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh ngưng mọi cuộc đàn áp. Hàng triệu “lời phản đối” đã được cư dân mạng trên toàn thế giới kêu gọi và gửi thẳng đến lãnh đạo Bắc Kinh và Hồng Kông.

Trước áp lực của quốc tế và cộng đồng mạng, tòa án Hồng Kông đã ra lệnh cảnh sát trả tự do cho sinh viên Joshua Wong sau hai ngày bắt giữ và nhờ vậy mà làn sóng bất tuân dân sự tại Hồng Kông đã bùng phát trở lại qua cuộc tụ họp non 200 ngàn người biểu tình trên khắp đường phố Hồng Kông, nhân ngày quốc khánh mồng 1/10 của Trung Cộng.

Điểm đáng nói trong cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông lần này - ngoài việc giữ được số đông và duy trì kỷ luật của bất bạo động – sự tổ chức chặt chẽ giữa các khâu về chăm sóc y tế, hướng dẫn, liên lạc, vệ sinh, ẩm thực cho hàng chục ngàn người tham gia trong nhiều ngày tọa kháng tại Trung tâm đặc khu hành chính trung ương là điều đáng chú ý.

Việc sinh viên chia nhau đi dọn rác sau mỗi cao điểm tọa kháng và viết những lời cáo lỗi vì đã gây trở ngại lưu thông cho người dân trên một số đường phố đã có những tác động tâm lý chiến hết sức quan trọng.

Ngoài ra, nếu Facebook là dụng cụ quan trọng để thanh niên sinh viên Hồi Giáo xử dụng hầu dấy lên cuộc cách mạng Á Rập vào năm 2011 thì vào năm 2014, sinh viên Hồng Kông đã ứng dụng FireChat của Smartphone để liên lạc, thông tin với nhau sau khi nhà cầm quyền Hồng Kông tắt Internet và cúp điện thoại di động.

Làn sóng bất tuân dân sự tại Hồng Kông đã bước qua tuần lễ thứ hai trong sự bất động của chính quyền Hồng Kông. 

Nhiều dự kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ không ra tay đàn áp vì không muốn trở lại ác mộng Thiên An Môn năm 1989 và cho rằng làn sóng đấu tranh tại Hồng Kông hiện không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lực đảng Cộng sản Trung Quốc như tại Bắc Kinh hay Thượng Hải. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể án binh bất động kéo dài vì làn sóng bất bạo động sẽ gia tăng cường độ cho đến khi người biểu tình đạt được mục tiêu đòi hỏi. 

Nhiều xác xuất là chính quyền Bắc Kinh sẽ phải để cho ông Lương Chấn Anh từ nhiệm như trường hợp ông Đồng Kiến Hoa, cựu đặc khu hành chính Hồng Kông từ chức vào năm 2005 trước làn sóng gần nửa triệu người biểu tình đòi tự do và tôn trọng các quyền công dân. 

Tóm lại, làn sóng bất tuân dân sự tại Hồng Kông có nhiều điều đáng học và có thể coi là một luồng gió mát đang thổi đến phong trào dân chủ Việt Nam nói riêng và tại Á Châu nói chung.

Điểm then chốt của làn sóng bất tuân dân sự Hồng Kông hiện nay không phải là sự từ chức của ông Lương Chấn Anh mà chính là Bắc Kinh phải để diễn ra cuộc bầu cử tự do như người dân Hông Kông mong muốn, và đến sớm hơn kỳ hạn chứ không là năm 2017.

Lý Thái Hùng
Ngày 1/10/2014


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày 13/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link