Friday, October 3, 2014

Hong Kong (1997-2014) - Đằng sau cuộc Cách Mạng Dù và những bài học cho chúng ta


Hong Kong (1997-2014) - Đằng sau cuộc Cách Mạng Dù và những bài học cho chúng ta












Vũ Đông Hà (Danlambao) - Hai tuần trước ngày 1 tháng 10, 2014. Một cuộc họp bí mật giữa các lãnh đạo phong trào Scholarism, Occupy Central, Hong Kong Federation of Students và nhiều người khác. Ngày đầu tháng được chọn làm ngày phát động chiến dịch đại bất tuân dân sự trên khắp thành phố. Đây là một quyết định chiến lược: kéo dài sang 2 ngày lễ toàn quốc nhằm gia tăng sự tham dự của người dân. Vai trò của Joshua Wong, Alex Chao Yong-kang, Benny Tai Yiu-ting, Chan Kin-man, Chu Yiu-ming, Jimmy Lai... những người công khai xuất hiện ra công chúng được định rõ. Chức năng của Scholarism, Occupy Central, Hong Kong Federation of Students trong chiến lược tổng thể được phân định lần nữa. Những chuẩn bị từ hướng dẫn quần chúng về kỷ luật đấu tranh, phòng chống đàn áp, khai thác truyền thông, vận động quốc tế, ứng dụng kỹ thuật, mọi dự phóng thay đổi tình huống, phản ứng của nhà cầm quyền, đối sách dự trù... được rà soát lại lần cuối. Một bộ phận tham mưu bí mật giữ vai trò điều khiển và phối hợp toàn bộ chiến dịch phải được tiếp tục duy trì trong tình huống những nhân vật công khai sẽ bị bắt.

Đằng sau những cuộc cách mạng

Những dữ kiện trên là hư cấu? Trong thế giới của những người đang theo đuổi phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ khắp nơi trên thế giới, đã từng làm, từng thất bại để sau đó thành công thì những gì xảy ra ở trên bắt buộc đã phải xảy ra.

Cách mạng không bao giờ là một sự tình cờ. Những gì bạn và thế giới chứng kiến qua màn hình TV, mạng xã hội, báo chí chỉ là bề nổi của một cuốn phim, là kết quả của nhiều năm tháng suy tính, chuẩn bị, gầy dựng, và trong suốt thời gian ấy, những hoạt động, những nấc thang phát triển của một phong trào thường không ai quan tâm hoặc không ai biết, trừ những người trong cuộc.

Điều đó đã xảy ra ở Serbia khi người ta chứng kiến hàng trăm ngàn người ở quảng trường Cộng Hòa nhưng không thấy những năm tháng vô cùng khó khăn, những đêm dài không ngủ, những chiến dịch rất nhỏ tưởng như vô bổ trước đó của các lãnh đạo trẻ Phong trào Otpor để làm nên chiến thắng sau cùng. Người ta có thể thấy hình ảnh của Srdja Popovic nhưng không thấy linh hồn khác của Otpor là những Slobodan Milosovik và nhiều người nữa đứng đằng sau bóng tối.

Điều đó cũng đã xảy ra ở Ai Cập khi thế giới rúng động với cuộc cách mạng đã bị hiểu lầm là không lãnh đạo, nếu thấy thì chỉ thấy những người như blogger Wael Ghonim nhưng không thấy bóng dáng của Mohamed Adel và những bộ óc, linh hồn thật sự của cuộc Cách Mạng Hoa Lài đã từng bước gầy dựng Phong trào April 6 nhiều năm trước đó.

Để có thể đánh giá được cuộc Cách Mạng Dù đang xảy ra, để có thể học hỏi từ phong trào tại Hong Kong, để hiểu được phong trào dân chủ Việt Nam đang đứng ở đâu, cần những cải tiến nào, chúng ta cần trở lại thời điểm khởi đầu của những hạt mầm dân chủ được gieo, cấy để chuẩn bị cho một thời kỳ mới tại Hong Kong:Ngày 1 tháng 7 năm 1997 - thời điểm Hong Kong chính thức nằm trong vòng tay cai trị của Bắc Kinh.

Không gian dân chủ tại Hong Kong được để lại bởi Anh Quốc

Bán đảo Hong Kong, thành phố Kowloon và khu vực New Territory được trao trả lại cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sau một thời gian dài thương thảo và đấu trí dai dẳng giữa Đặng Tiểu Bình và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Trao trả Hong Kong cho Trung cộng là một hiển nhiên mà Anh Quốc không thể tránh né. Do đó kết quả thương thảo để đạt được hệ thống Một Quốc Gia Hai Thể Chế là một thắng lợi lớn của Anh Quốc và người dân Hong Kong. Nó cho phép Hong Kong có một không gian và thời gian để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới:không bị nhuộm đỏ bởi Bắc Kinh. Trong lúc những tài tử nổi tiếng, đại gia Hong Kong di cư sang Vancouver, New York, San Francisco, Sydney, Luân Đôn... nhiều trí thức, nhà hoạt động đã bắt đầu âm thầm gầy dựng hạt mầm để bảo vệ nền dân chủ của Hong Kong và đối phó với chính sách một quốc gia cộng sản từ Bắc Kinh xâm thực vào thể chế dân chủ của Hong Kong.

Vùng đất vốn sẵn phì nhiêu

Ưu điểm của phong trào dân chủ Hong Kong là được thừa hưởng một di sản của một bán đảo văn minh hàng đầu Đông Nam Á, là Trung tâm tài chánh số 1 của châu Á mà sự tồn vong của nó có quan hệ mật thiết với quyền lợi kinh tế của nhiều cường quốc phương Tây. 8 năm trước khi bị trao trả đã có sự ra đời của The Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements in China (Liên Minh Hỗ Trợ những Phong Trào Yêu Nước tại Trung Hoa) vào ngày 21 tháng 5, 1989 để ủng hộ sinh viên Bắc Kinh tại Thiên An Môn. Kỷ niệm 20 năm thành lập liên minh này đã có 150.000 người tham dự.

5 năm sau ngày bị trao trả lại cho Trung Hoa lục địa, phong trào dân chủ Hong Kong bắt đầu chuyển động.

Hành trình dân chủ của Hong Kong dưới lá cờ đỏ 5 sao:

13.09.2002, Civil Human Rights Front (Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền)được thành lập để thống nhất tiếng nói và sức mạnh của 48 tổ chức xã hội đang hoạt động tại Hong Kong.

13.12.2002, Civil Human Rights Front tổ chức tuần hành phản đối đạo luật"chống phản động vì an ninh quốc gia". 65.000 người tham dự.

01.07.2003, cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau năm 1997 diễn ra với 500.000 người tham dự để tiếp tục chống lại đạo luật "chống phản động vì an ninh quốc gia".Mục sư Chu Yiu-ming, sau này trở thành đồng sáng lập viên của Occupy Central, và Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun tổ chức buổi cầu nguyện tại công viên Victoria. Chiến thắng của cuộc biểu tình này là đạo luật "phản động" không được thông qua, ngăn chận tình trạng bất kỳ người hoạt động nào cũng bị cái thòng lọng kết án treo lơ lững trên đầu như điều 258 tại Việt Nam. Năm 2003 cũng là khởi đầu của sự tham dự của sinh viên từ Hong Kong Federation of Students (Liên hội Học sinh Hong Kong) và đóng vai trò quan trọng trong thành phần tổ chức.

01.07.2004, Civil Human Rights Front tổ chức biểu tình đòi quyền bầu cử phổ quát đối với chức vụ cao nhất của Hong Kong mà đạo luật mới dự trù sẽ thông qua vào năm 2007-2008. 192.000 người tham dự và áo màu trắng được chọn làm màu biểu tượng đồng nhất. Thành phần dân chủ đã chọn một vấn đề còn xa về thời giannhưng rất gần với quyền tự chủ của người dân để tranh đấu. Vì còn xa nên Bắc Kinh quan tâm ít nhưng sát sườn nên quần chúng quan tâm nhiều.

04.12.2005, Civil Human Rights Front tổ chức cuộc biểu tình cho dân chủ tiếp tục đòi hỏi nhà nước phải chấp thuận quyền bầu cử phổ quát cho chức vụ cao nhất của Hong Kong và cho tất cả chức vụ của hội đồng khu vực. Con số người tham dự tùy theo phỏng đoán bởi các nguồn khác nhau - từ 63.000 đến 250.000 người.

01.07.2006, Civil Human Rights Front tổ chức, 58.000 người tham dự cuộc biểu tình cũng với vấn đề bầu cử phổ quát.

01.07.2007, Civil Human Rights Front tổ chức, 68.000 người tham dự cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử phổ quát và cải thiện đời sống. Lần đầu tiên, đức Hồng yJoseph Zen Ze-kiun tham dự vào đoàn người biểu tình.
...
Mỗi năm, Civil Human Rights Front tiếp tục tổ chức những cuộc xuống đường vào ngày 1 tháng 7. Con số người tham dự lên đến cao điểm là 400.000 vào năm 2012 và 430.000 vào năm 2013.

Năm 2011 đánh dấu sự ra đời của Scholarism bao gồm những sáng lập viên và thành viên là học sinh trung học. Năm 2012 Scholarism tổ chức cuộc biểu tình với 120.000 sinh viên học sinh tham dự, 15 học sinh tuyệt thực để phản đối đề án chương trình giáo dục "đạo đức và yêu nước" kiểu cộng sản do Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong. Nhà cầm quyền Hong Kong cuối cùng phải nhượng bộ và cho phép các trường có quyền áp dụng hay không áp dụng chính sách này của Bắc Kinh.

Joshua Wong lúc ấy 15 tuổi là lãnh đạo của Scholarism để hai năm sau, 2014 trở thành khuôn mặt của phong trào dân chủ Hong Kong.

*

Trong suốt 9 năm từ 2002 đến 2011, Civil Human Rights Front - tổ chức được thành lập vào năm 2002 để thống nhất tiếng nói và sức mạnh của 48 tổ chức xã hội đóng vai trò chủ động trong gần hết mọi cuộc biểu tình tổ chức hàng năm. Mục tiêu chiến lược là bảo vệ cho bằng được thể chế dân chủ của Hong Kong trong hệ thống "Một Quốc Gia Hai Thể Chế". Chiến thuật là tranh đấu để giữ vững Quyền bầu cử phổ quát của Hong Kong

Kể từ năm 2003, sinh viên đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình, tuy nhiên Hong Kong Federation of Students là một liên hội bao gồm những hiệp hội sinh viên từ 7 trường đại học, khó có thể đồng nhất trong mọi quyết định. Biến cố Thiên An Môn trong đó sinh viên bị tàn sát cũng là ám ảnh đối với những nhà dân chủ Hong Kong trong thời điểm phải đối đầu một mất một còn với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, mặc dù những cuộc biểu tình được diễn ra hàng năm có số người tham dự đông đảo những đã trở thành bình thường, không còn tạo được sự chú ý quan tâm và không thấy có chỉ dấu có thể chống lại áp lực từ Bắc Kinh càng ngày càng gia tăng trong việc áp đặt chính sách "đảng cử dân bầu" lên Hong Kong. Phong trào dân chủ Hong Kong cần một chiến thuật tạo sự bộc phát: chiến thuật Scholarism.

Thành phần học sinh trung học - nhỏ hơn sinh viên - đã được đưa vào phương trình tranh đấu. Scholarism được hình thành. Và Joshua Wong, một học sinh vốn đã tài giỏi đã được chọn, đào tạo, huấn luyện để trở thành khuôn mặt của phong trào dân chủ trong tương lai. Vị trí của Joshua Wong được nâng cao với cuộc biểu tình 120.000 học sinh năm 2012. Khác với chủ đề tranh đấu được chọn là Quyền bầu cử phổ quát của Hong Kong vẫn lơ lửng trong suốt gần 10 năm, những nhà lãnh đạo phong trào đã chụp bắt thời cơ với đề án chương trình giáo dục "đạo đức và yêu nước", nắm được tâm lý phản kháng của học sinh đang được thụ hưởng nền giáo dục cũ của Hong Kong sẽ phải tiêu hóa những bộ môn chính trị tẩy não của Bắc Kinh, chiến dịch tranh đấu về giáo dục được chọn làm cuộc ra quân đầu tiên của Scholarism. Chiến thắng của Scholarism trong chiến dịch này đã nâng cao uy tín của người học sinh 15 tuổi Joshua Wong.

Ngày 27.03.2013 Mục sư Chu Yiu-ming, Giáo sư Luật Benny Tai Yiu-ting, và giáo sư xã hội học Chan Kin-Man công bố Tuyên ngôn Chiếm đóng Trung tâm bằng Tình yêu và Hòa Bình - mở đường cho phong trào cùng tên gọi - Occupy Central with Love and Peace. (*) Họ đã không chọn cách ra mắt của một tổ chức, họ cũng không gọi nó là một phong trào, họ chỉ gián tiếp giới thiệu phong trào bằng một tuyên bố giới thiệu một chiến dịch chiếm đóng ôn hòa.

Thế nhưng chiến dịch chiếm đóng không bùng nổ ngay sau ngày 27.03.2013. Sau đó là những chuẩn bị lâu dài cho kế hoạch. Hơn một năm sau, vào ngày 01.07.2014, Civil Human Rights Front phối hợp cùng Scholarism và Hong Kong Federation of Students tổ chức cuộc biểu tình bất tuân dân sự ôn hòa, chiếm đóng Trung tâm thương mại trong 24 giờ. Ước lượng 500.000 ngàn người đã tham dự với khẩu hiệu chính: Bảo vệ thẩm quyền của Hong Kong: không sợ mối đe dọa toàn trị của Bắc Kinh" ("Defending Hong Kong Authority: No fear of Beijing's threat of comprehensive control") (2). Một ngày trước đó, 800.000 người đã tham gia một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức, đa số bỏ phiếu cho việc 7,2 triệu dân Hong Kong có toàn quyền chọn lựa lãnh đạo của họ. Tất cả xảy ra không dưới tên của vị mục sư và 2 giáo sư khởi xướng chiến dịch chiếm đóng. Người ta chỉ nhìn thấy vai trò lãnh đạo của 3 tổ chức: Civil Human Rights Front, Scholarism,Hong Kong Federation of Students và khuôn mặt nổi bật của Joshua Wong, không còn là một lãnh đạo học sinh tranh đấu cho chương trình giáo dục mà là một lãnh đạo dân chủ tranh đấu cho quyền chính trị độc lập.

Ngày 22.09.2014 để tiếp tục phản đối chính sách can thiệp của Bắc Kinh vào việc bầu chọn lãnh đạo, Hong Kong Federation of Students và Scholarism phát động chiến dịch tẩy chay lớp học với thành phần ủy ban tổ chức bao gồm thành viên từ 14 trường đại học. Và chỉ có 2 tập hợp tuổi trẻ này đứng ra vận động tuổi trẻ, không bất kỳ một tổ chức "người lớn" nào khác tham gia.

Chỉ trong vòng 2 tháng, bằng những tính toán rất chiến lược của những lãnh đạo phong trào, học sinh Joshua Wong và sinh viên Alex Chao trong vai trò thủ lãnh đã thành công trong việc nâng cao nhận thức và huy động thành phần học sinh-sinh viên từ tranh đấu cho một vấn đề giáo dục bước vào con đường tranh đấu cho dân chủ. Joshua Wong tuyên bố: "Chúng tôi muốn mọi người biết là chúng tôi tin rằng học sinh có thể hoạt động tiên phong trong các phong trào dân chủ". Cho dù cả trăm nghìn học sinh chưa thực sự nhận thức và quan niệm như thế, nhưng bằng chiến thuật xây dựng hình tượng và uy tín, bằng phương tiện truyền thông mạng, Joshua Wong đã trở thành đại diện cho tiếng nói của sinh viên học sinh. Qua Scholarism và Joshua Wong, học sinh trung học của Hong Kong nhận vai trò tiên phong tranh đấu cho sự sinh tử của nền dân chủ Hong Kong trong hệ thống "Một Quốc Gia Hai Thể Chế", cho một vấn đề mà họ chưa đủ tuổi để tham dự: tự do bầu cử phổ quát!

Ngày 1.10.2014, sau khi hoàn tất mục tiêu đặt thành phần sinh viên học sinh tiên phong đi trước với Liên hội sinh viên và ScholarismPhong trào Chiếm đóng Trung tâm chính thức được khởi động Occupy Central with Love and Peace và Occupy Central trở thành vừa là tên gọi của một chiến dịch, một hành động, vừa là tên gọi của tổ chức chủ đạo. Hàng trăm ngàn người Hong Kong xuống đường đồng hành, hàng ngàn cánh dù nhiều màu sắc được bung lên: Cách Mạng Dù đã ra đời tại Hong Kong sau một hành trình dài dẵng 1997-2014. Một cuộc cách mạng không có một lãnh đạo rõ ràng nhưng được lãnh đạo bởi một tập thể, mỗi cá nhân đóng một vai trò và Joshua Wong, học sinh 17 tuổi được chọn là khuôn mặt “nổi”, công khai, của phong trào dân chủ Hong Kong.

Trong Cách mạng Dù, những thành phần mặt nổi được công khai cho đến nay gồm:
- Occupy Central with Love and Peace: thành phần trí thức, tôn giáo.
- Scholarism: học sinh trung học, thành viên có quy củ gồm 300 người.
- Liên hội sinh viên: một mạng lưới rộng khắp với 7 trường đại học lớn với thành phần sinh viên.

Và Civil Human Rights Front. Trong những ngày này của tháng 10, năm 2014, đằng sau những cánh dù đầy màu sắc, người ta không còn nghe, còn thấy tổ chức vốn đã được thành lập để thống nhất tiếng nói và sức mạnh của những đoàn thể dân sự 12 năm trước đó, đã là sức mạnh làm nên những cuộc biểu tình vĩ đại mỗi năm trong suốt thời gian qua.

Bài học cho chúng ta

Nhìn lại toàn bộ những gì xảy ra tại Hong Kong sau năm 1997 giúp cho chúng ta rút ra nhiều bài học khi so sánh với phong trào dân chủ Việt Nam.

- Ngay vào thời điểm 1997, phong trào dân chủ tại Hong Kong đã sớm có những bén rễ và phát triển nhờ vào thể chế dân chủ trước đó dưới sự bảo hộ của Anh Quốc. Tình trạng của phong trào dân chủ Việt Nam ngày hôm nay về mặt thuận lợi, nhận thức của quần chúng, không gian tự do hoạt động có thể còn thua Hong Kong cách đây 17 năm. Nếu xem thành quả của Hong Kong ngày hôm nay như là một người đã leo quá 2/3 ngọn núi thì chúng ta vẫn còn ở lưng chừng chân núi.

- Thanh niên học sinh, sinh viên Hong Kong cho đến bây giờ vẫn hưởng một nền giáo dục hiện đại, mang tính thực dụng và khó có thể chấp nhận dễ dàng một khuynh hướng giáo dục đỏ áp đặt cho họ. Môi trường học đường Hong Kong không có những cơ chế tổ chức đoàn, đảng để "lãnh đạo", theo dõi, khống chế mọi cử động ngoài lề của học sinh, sinh viên. Do đó, vận động giới trẻ trong học đường dễ hơn và không gian hoạt động của giới trẻ Hong Kong thông thoáng hơn là ở Việt Nam.

- Mặc dù hàng năm đều có những cuộc biểu tình lớn, nhưng như chính các lãnh đạo phong trào thú nhận - cách đây 5 năm, đa số thành phần thanh niên và quần chúng của 7,2 triệu người Hong Kong vẫn thờ ơ, lãnh cảm với chính trị. Bài học chúng ta cần rút ra là không nên chọn một hình ảnh tiêu cực của xã hội Việt Nam để dán nhãn cho cả một thế hệ Việt Nam và chọn hình ảnh của Joshua Wong để dán nhãn cho một thế hệ Hong Kong để rồi có sự so sánh tương phản. Suốt 17 năm qua, khắp các đường phố của Causeway Bay, của Mong Kok - nơi bây giờ chỉ thấy hình ảnh những sinh viên học sinh đang hừng hực lửa cách mạng - vẫn nhan nhản tuổi trẻ Hong Kong ăn chơi vô trách nhiệm.

Chúng ta học được những bài học gì qua tiến trình 17 năm tranh đấu cho dân chủ của Hong Kong?

- Sự ra đời của Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền - Civil Human Rights Frontvào năm 2002 để thống nhất tiếng nói và sức mạnh của 48 tổ chức xã hội là điều chúng ta cần học hỏi. Và quan trọng hơn, những hoạt động thành công của Mặt trận này cho thấy việc thống nhất không mang tính biểu kiến, hư danh chính trị mà nó hoạt động hiệu quả. Bằng cách nào để 48 tổ chức xã hội có thể ngồi lại với nhau, nghe nhau và làm việc với nhau? 

Civil Human Rights Front đã chọn bước đi đầu tiên rất chiến lược: chọn đúng ngày Hong Kong "trở về với mẫu quốc Trung Hoa lục địa" để có được hàng trăm ngàn người xuống đường mà Bắc Kinh không làm được gì. Bằng chiến thuật đặt Bắc Kinh vào thế tiến thoái lưỡng nan, lãnh đạo phong trào đã "đốt giai đoạn" của tiến trình tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ để từng bước tiến lên những cuộc biểu tình lớn.

- Trong suốt 17 năm dài Civil Human Rights Front chỉ chọn 3 "chủ đề" tranh đấu.

Chủ đề chống đạo luật "chống phản động vì an ninh quốc gia" nhằm dán nhãn cho bất kỳ ai không đồng ý với đường lối chính trị của Bắc Kinh. Họ chọn một mục tiêu đấu tranh nhỏ, có thể thắng và đã buộc Bắc Kinh phải hủy đạo luật này đối với Hong Kong sau 2 năm tranh đấu 2002-2003.

Chủ đề được lập đi lập lại là quyền bầu cử phổ thông chống lại chính sách "đảng cử dân bầu" của Bắc Kinh. Cho đến bây giờ, chính sách này vẫn chưa chính thức áp dụng nhưng họ đã đứng lên tranh đấu ngay từ 10 năm về trước. Họ ít chạy theo quá nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh trong xã hội Hong Kong mà luôn chú tâm vào vấn đề sinh tử nhất: bảo vệ cho bằng được nền dân chủ của Hong Kong trong hệ thống "Một Quốc Gia Hai Thể Chế". Và đây là nền tảng của chiến lược tổng thể.

Chủ đề chống chính sách giáo dục đỏ của Bắc Kinh được những nhà lãnh đạo chụp bắt như là một cơ hội để tạo sự tham gia của học sinh, giải quyết những âu lo của họ về viễn ảnh Thiên An Môn. Họ đã thành công với sự ra đời của Scholarism và sự xuất hiện của một lãnh tụ trẻ tuổi mới: Joshua Wong. Sau chiến dịch này, phong trào dân chủ của Hong Kong trở lại ngay với chủ đề tranh đấu chiến lược cũ về quyền bầu cử - vốn là nền tảng cho sự sống còn của thể chế dân chủ Hong Kong. Scholarism là một chiến thuật. Họ trở lại ngay với chiến lược tổng thể nhưng với một sức mạnh mới của sự kết hợp: thành phần học sinh trung học với Scholarism, sinh viên đại học với Hiệp hội Sinh Viên Hong Kong, trí thức với Occupy Central. Và Mặt trận Dân Quyền, Nhân Quyền - Civil Humnan Rights Front bước lùi về phía sau để trở thành bộ phận tham mưu và điều khiển toàn bộ cuộc Cách Mạng Dù.

Chúng ta học được gì từ hiện tượng Joshua Wong?

Joshua Wong là niềm hãnh diện của tuổi trẻ Hong Kong và là biểu tượng của phong trào dân chủ. Cậu học sinh 17 tuổi này xứng đáng để nhận ở mọi người trên thế giới những lời ngưỡng mộ. Nhưng để xây dựng một phong trào chúng ta cần phải cùng nhau phân tích để từ đó có một cái nhìn toàn diện hơn, hữu ích hơn cho chúng ta trong việc rút tỉa kinh nghiệm của người khác cho việc làm của mình.

- Trong thời đại ngày hôm nay, sẽ khó có một cá nhân trở thành lãnh tụ để từ đó phát động một phong trào. Ngược lại, chính nỗ lực tập thể mới xây dựng nhiều cá nhân lãnh đạo, mỗi cá nhân đóng một vai trò để hình thành nên một cuộc cách mạng có lãnh đạo nhưng không cần lãnh tụ duy nhất theo nghĩa cổ điển. Trong trường hợp của Joshua Wong và Scholarism: Các bạn trẻ này không những được thừa hưởng một không gian dân chủ tương đối thuận lợi mà còn được hướng dẫn bởi thế hệ cha anh. Một học sinh 14 tuổi đang đi học khó mà có đủ thì giờ để tổ chức vận động 120.000 người biểu tình và sau đó tiếp tục phát triển phong trào nếu không có sự trợ giúp. Những nhân sự cốt cán trong 300 thành viên của Scholarism chắc chắn có nhiều người là con cái của những thành viên của phong trào dân chủ, của Civil Human Rights Front. Nhìn kỹ vào tiến trình hoạt động như đã trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng Joshua Wong và Scholarism là một chiến lược tuyệt vời nằm trong một chiến lược tổng thể của phong trào dân chủ Hong Kong.

Đối với những nhà hoạt động dân chủ, chúng ta có thể rút ra cả trăm bài học từ Hong Kong, bên cạnh những bài học khác từ Serbia, Ai Cập... Ở đây chỉ xin được đưa ra vài vấn đề mang tính tổng quát.

- Đấu tranh bất bạo động không phải là một lý thuyết thuộc phạm trù đạo đức mà đó là một phương thức khoa học, một loại "methodology". Yếu tố cần nhất mà chúng ta thiếu nhất là khả năng đưa ra một chiến lược tổng thể dài hạn, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch, hoạt động chuyên nghiệp với tinh thần kỷ luật... vốn là những kỹ năng và văn hóa hoạt động mà chúng ta không được đào tạo bởi nền giáo dục cộng sản. Những vấn đề này là thử thách lớn vì nó đòi hỏi toàn bộ chúng ta phải nâng cấp. Sẽ không bao giờ thành công nếu hoạt động không có kế hoạch và tinh thần kỷ luật. Cũng không thể thành công nếu có một người thảo ra kế hoạch, định rõ trách nhiệm nhưng những thành viên không hiểu kế hoạch là gì và không quen hoạt động kỷ luật.

- Một cuộc cách mạng bao gồm hoạt động công khai và bí mật. Muốn có được đám đông, muốn vận động quần chúng phải có một lực lượng công khai, với những khuôn mặt mang tính thu hút và dễ nhận sự đồng cảm, hỗ trợ như Joshua Wong. Nhưng cùng lúc, phong trào chỉ có thể tồn tại, một chiến dịch có thể được tiếp diễn nếu được chỉ huy và điều động bởi một bộ phận bí mật hầu bảo vệ tiềm năng trước những đàn áp có thể tiên đoán được từ nhà cầm quyền.

- Lãnh đạo không làm nên phong trào. Chỉ có phong trào mới tạo ra những lãnh đạo và từ đó mỗi lãnh đạo gia tăng sức mạnh của phong trào. Gầy dựng lãnh đạo phải là một công việc của phong trào dân chủ. Ngược lại, bất kỳ cá nhân tranh đấu nào dù chỉ ở lứa tuổi 14 như Joshua Wong nếu có tiềm năng, ý chí, lý tưởng trong sáng thì việc học hỏi, được đào tạo, được trở thành mục tiêu xây dựng lãnh đạo của phong trào cần được xem đó là bổn phận chính đáng của một người đấu tranh.

- Chỉ có thực sự phối hợp bằng hành động, hiểu được vai trò của nhau trong một chiến lược tổng thể và dưới sự chỉ đạo của một bộ phận tham mưu mới có thể thành công. Ở Hong Kong, không phải tự nhiên có được sự kết hợp của học sinh, sinh viên và trí thức lớn tuổi. Tất cả đều nằm trong kế hoạch và đồng thuận từ ban đầu của những người khởi xướng có tầm nhìn chiến lược đường dài.

Kết

Tôi muốn dùng phần kết này như là một tâm tình gửi đến những người bạn của tôi, những người bạn mà cuộc đời của họ đã trở thành cuộc đời của tôi, lòng can đảm lẫn nỗi sợ hãi của họ đã trở thành động lực giúp tôi tiến bước.

Bất kỳ một dân tộc nào đang bị trị đều cảm thấy thấp kém, đớn hèn và đau xót khi chứng kiến hình ảnh hào hùng của những cuộc cách mạng xảy ra. Tôi may mắn có dịp tiếp xúc, học hỏi với nhiều con người lý tưởng khắp nơi trên thế giới tranh đấu cho tự do, dân chủ của xứ sở họ. Tôi cảm được nỗi buồn rầu và tuyệt vọng của những người bạn Miến Điện ở núi rừng biên giới Chiang Rai tuyệt vọng với những công việc đấu tranh của họ xem ra quá nhỏ nhoi khi đối chiếu với thành công của các bạn xứ khác. Tôi biết được những thành viên của Phong trào April 6 từ Ai Cập từng cảm thấy họ đã thất bại quá nhiều, dân họ quá sợ hãi, những việc làm của họ không đem lại thành công nào; họ đã lặn lội, âm thầm, bỏ qua tự ái, bỏ qua quan niệm nước mình nó thế, nó khác, để sang tận Belgrade học cách tranh đấu của người Serbia và sau đó làm nên cuộc Cách mạng Hoa Lài. Tôi cũng đã gặp những nhà hoạt động Syria ngồi nói chuyện với nhau và cho rằng cách của "anh Srdja" mới chia sẻ, kinh nghiệm của "chàng Mohamed Adel" mới trình bày không thể làm được ở xứ sở họ và thấy ánh mắt buồn rầu của họ. Trong bóng tối gần như đen đặc của bắc Triều Tiên, có ai biết được có những người thanh niên Bắc Hàn vượt biên giới, ngồi thầm lặng học tỉ mỉ cách đấu tranh của các bạn đồng lý tưởng khác trên thế giới. Càng học họ càng buồn rầu vì thấy quá khó, dân họ đã hết thuốc chữa, những tìm thấy ở họ dấu vết của sự buông xuôi, bỏ cuộc thì không hề.

Chúng ta, những con người lý tưởng Việt Nam, những người mà chỉ mới vài năm thôi, chỉ cần ngồi nhà tọa kháng là đã 4 năm tù, nhìn về Hong Kong bằng con mắt ngưỡng phục như đã từng nhìn về Cairo bằng ước muốn thèm thuồng. Điểm đi của chúng ta và điểm đến của họ dường như quá xa, quá dài khoảng cách.

Nhưng hãy tin rằng chúng ta đi đúng hướng. Những bạn bè của tôi, những người đã thành công trong cuộc cách mạng của xứ sở họ cũng tin rằng chúng ta đi đúng hướng.

Hãy tin rằng nếu không có một bạn của mình ngồi ở nhà cầm tấm bảng Tôi Muốn Biết thì khó mà sẽ có hàng người đứng giữa Ba Đình hô vang Chúng Tôi Muốn Biết; cũng như nếu Alex Chao không vận động từng nhóm sinh viên của 7 trường Đại Học ngồi ngay ở lớp mình chụp hình đưa bảng đòi Tự do Bầu cử Phổ quát thì đã không có hàng ngàn sinh viên đứng lên ở Mong Kok trong những ngày qua.

Hãy tin rằng nếu không có Phạm Thanh Nghiên, Bùi Hằng, Trịnh Kim Tiến tọa kháng tại gia thì sẽ khó mà có hàng ngàn người tọa kháng, bất tuân dân sự trên khắp đường phố Hải Phòng, Sài Gòn, Hà Nội; cũng như nếu Joshua Wong không bắt đầu bằng một nhóm học sinh rất nhỏ tẩy chay lớp học, với 4 học sinh tuyệt thực để sau đó có 120.000 học sinh, sinh viên bỏ lớp xuống đường.

Hãy thấy rằng nếu muốn có Mặt trận Dân quyền và Nhân quyền phong trào dân chủ Hong Kong cần đến 6 năm với 48 tổ chức xã hội dân sự để thấy rõ vai trò của hơn 20 tổ chức xã hội dân sự mà chúng ta đang có tại Việt Nam. Hãy tin rằng sẽ khó mà đột nhiên có ngay "Occupy Ba Đình" nếu không có những xuất hiện nền tảng của Tuyên Bố Công Dân Tự Do, Dã Ngoại Nhân Quyền, Cafe Nhân Quyền, Chiến Dịch 0258, Chúng Tôi Muốn Biết và nhiều chiến dịch tiếp nối trong tương lai.

Các bạn thương yêu,

Con đường của chúng ta đi không được khởi đầu như từ mảnh đất màu mỡ của Hong Kong sau năm 1997 mà là những ám ảnh của khủng bố và sợ hãi đã có từ thời đấu tố giết người. Hành trình của chúng ta không được giàn trải sẵn với cả trăm ngàn người ở công viên Victoria mà bằng những bản án dài hàng trăm năm dành cho các đàn anh đàn chị đi trước. Nhưng chúng ta hãy nhìn xuống bước chân của mình vừa mới bước và hãy hãnh diện rằng chúng ta đang đi, như các bạn Hong Kong đã từng đi trong suốt 17 năm qua trên hành trình của họ. Hãy nhìn những sinh viên học sinh trên khắp các đường phố Hong Kong như là một điềm báo: khát vọng tự do dân chủ sẽ trỗi dậy trong tâm hồn của bất kỳ ai. Và hãy nhìn Joshua Wong, Alex Chao để hãnh diện về Nguyễn Phương Uyên, về Đỗ Thị Minh Hạnh, để ngẩng đầu với thế giới và tự hào: tuổi trẻ chúng ta không thua kém bất cứ ai về lòng can đảm và ý chí tranh đấu cho sự tồn vong của dân tộc.



 

kính chuyển quý Vi Hữu diễn đàn liên mạng toàn cầu

>> 

---------- Message transféré ----------
De : tran dung nghi <trandn77@gmail.com>
Date : 2 octobre 2014 21:55
Objet : Re: SOLIDARITY WITH HONG KONG @ PARIS - MANIFESTATION de soutien mercredi 1.10 - 18:30 - 21:30 au Champ de Mars
À : httn


Solidarity Hong Kong



En solidarité avec le mouvement pour la démocratie (les parapluies de Hong Kong) à Hong Kong, un modeste diaporama du rassemblement à Paris au Champ de Mars le 1er Octobre 2014.











__._,_.___

Posted by: Hoai Phuong Pham 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link