Friday, October 3, 2014

Phong trào dân chủ Hồng Kông thêm quyết liệt [1 Attachment]


mediaCảnh sát ngăn chận người biểu tình phong tỏa lối vào trụ sở lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh. 
Ảnh ngày 02/10/2014Reuters

Trung Quốc cảnh cáo trước nguy cơ Hồng Kông rơi vào hỗn loạn. Đường phố và nhiều hoạt động kinh tế của đặc khu hành chính này bị tê liệt nhưng người biểu tình quyết liệt đòi ông Lương Chấn Anh, lãnh đạo số 1 Hồng Kông, từ chức.
Thông tín viên đài RFI tại chỗ cho biết, trước mắt kịch bản này không xảy ra, vì ông Lương vẫn được Bắc Kinh yểm trợ :
« Tối hậu thư của sinh viên Hồng Kông đòi lãnh đạo đặc khu hành chính, Lương Chấn Anh, từ chức sẽ hết hạn vào hôm nay 02/10/2014. Do được Bắc Kinh yểm trợ nên dù không được lòng dân, nhưng ông Lương nhắc lại là không có ý định rút lui. Tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, sớm muộn gì nhân vật này cũng phải ra đi trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Dư luận Hồng Kông cho rằng ông Lương muốn kéo dài thời gian để phong trào mệt mỏi và tự tan vỡ. Ngay từ đêm hôm qua, người biểu tình Hồng Kông cho biết, dường như là tại nhiều khu phố cảnh sát đã lợi dụng những lúc vắng người đề làm chủ lại tình hình.

Bên cạnh đó ban tổ chức phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông lo ngại những băng đảng quá khích được Bắc Kinh thuê mượn gây hấn để xảy ra sự cố. Nhưng kịch bản này đã không xảy ra trong ngày hôm qua, đúng vào dịp lễ Quốc khánh của Trung Quốc. Tuy vậy một vài vụ hành hung đã lác đác xảy ra, một số các vụ cãi cọ và đôi khi có những vật thể từ trên cao ném xuống đoàn người biểu tình.

Trong khi chờ đợi tình hình tại đặc khu hành chính này yên tĩnh trở lại, chính quyền Bắc Kinh quyết định ngưng cấp visa cho các hãng du lịch đến Hồng Kông.

 Ngành du lịch là một nguồn lợi kinh tế chính của vùng lãnh thổ này. Đây là một hình thức để phong trào đòi dân chủ Hồng Kông không thu phục được phần còn lại của dân cư tại chỗ. Phần lớn người dân ở đây sống nhờ các hoạt động mua bán.

 Mặt khác Bắc Kinh cũng muốn tránh để người dân ở Đại Lục chứng kiến những gì đang diễn ra ở Hồng Kông. Trung Quốc không muốn phong trào bất phục tùng dân sự làm gương xấu cho người ở Hoa Lục».
mediaHồng Kông : Sinh viên biểu tình lập rào cản chặn đường . Ảnh tối 02/10/2014.Reuters

Mới qua chưa được một tuần, phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kong đã bắt đầu có tác động đến kinh tế địa phương và có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với Hồng Kông, trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu ở khu vực.
Phong trào phản kháng của sinh viên học sinh Hồng Kông bắt đầu tăng nhiệt từ hôm Chủ nhật vừa qua với sự tham gia của hàng chục nghìn người biểu tình đòi được quyền bầu cử tự do thực sự qua phương thức phổ thông đầu phiếu.

Đến giờ cuộc đấu tranh này đã gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ khi mảnh đất thuộc địa Anh này được trả về cho Trung Quốc năm 1997 và được hưởng quy chế một đặc khu hành chính.

Giao thông ách tắc rối loạn, các chi nhánh ngân hàng đóng cửa, các chuyến công cán làm ăn của giới doanh nhân bị đình hoãn, đó chỉ là một vài ảnh hưởng có thể cảm nhận thấy ngay trong hoạt động của vùng lãnh thổ đặc biệt nằm ở miền đông nam Trung Quốc có 7 triệu dân, nhưng lại có một tiềm lực kinh tế tương đương với một số quốc gia như Chilê, Philippines hoặc thậm chí gần ngang bằng với Ai Cập.

Chuyên gia Gareth Leather thuộc trung tâm Capital Economics nhận định, nếu các cuộc biểu tình kéo dài « du lịch và thương mại, hai nghành hiện chiếm tỷ trọng 10% thu nhập nội địa của Hồng Kông, có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề « và khi đó kinh tế Hồng Kông sẽ rơi vào suy thoái là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên hậu quả về mặt tài chính trong trường hợp cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng và kéo dài mới là mối bận tâm đang lo ngại. Hồng Kông được cho là một mắt xích quan trọng trong guồng máy tư bản không chỉ khu vực châu Á.

Hàng trăm tỷ đô la mỗi ngày được giao dịch tại nơi đây qua các thị trường trao đổi tiền tệ, mua bán nguyên vật liệu cơ bản, vốn liên ngân hàng và nhất là thị trường chứng khoán Hồng Kông là nơi niêm yết vốn của các tập đoàn kinh tế trọng yếu của Trung Quốc ; như về tài chính có ngân hàng HSBC, các tập đoàn viễn thông thì có China Mobil hay về năng lượng có PetroChina.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông được coi là thị trường hoạt động hiệu quả đứng hàng thứ 3 trên thế giới, sau New Yorrk và Luân Đôn.

Singapore hưởng lợi.
Vị thế của Hồng Kông trên thị trường tài chính đã được xây dựng lên từ nửa sau của thế kỷ 20 bởi người Hồng Kông, những người Anh, người phương Tây và chính bởi những người Trung Quốc đã bỏ chạy khỏi Hoa lục khi Cộng sản lên nắm quyền 1949.

Nhà phân tích độc lập Howard Wheeldon nhắc lại, « trong thời kỳ thuộc địa Anh, Hồng Kông đã có một thời kỳ thái bình, giúp cho vùng đất này trở nên phồn thịnh như thế kỷ trước ».

Việc vùng đất thuộc địa này trở về nằm dưới trướng của Bắc Kinh cách đây 17 năm đã không phá vỡ được sự ổng định của Hồng Kông, cho dù từ đó trở đi thường xuyên xảy ra các căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ dân chủ và những người chủ trương giữ đường lối chính thức của Trung Quốc.

Theo ông Ivan Tselichtchev, giáo sư kinh tế Đại học quản lý Nigata Nhậ Bản cũng như nhiều chuyên gia khác trong vùng thì vị thế mạnh của Hồng Kông trong bàn cờ tiền tệ chỉ bị đe dọa ở bên ngoài lề vì chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông có đủ quyền lực và nguồn lực để có thể kiềm chế được những rối ren lớn ».

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định thêm : « Các cuộc phản kháng này đã làm nổi bật mối nguy hiểm của chính sách trong việc áp dụng « một đất nước hai chế độ » do Bắc Kinh tạo lập ra từ năm 1997.

Tất cả phụ thuộc vào cách thức chính quyền xử lý thế nào phong trào phản kháng. Bắc Kinh thừa biết nếu đàn áp dữ dội phong trào phản kháng lần này thì sẽ gây hậu quả tai hại ra sao đối với nền kinh tế Hồng Kông cũng như với hình ảnh của Hoa Lục.
Chuyên gia Leather thuộc Capital Economics, nhấn mạnh : « Chính quyền Hồng Kông chắc hẳn sẽ không dung thứ lâu việc chiếm đóng các trục huyết mạch thương mại chính và có thể sẽ huy động cảnh sát giải tán đám đông trong phố. Và người ta cũng không thể loại trừ khả năng chính phủ Trung Quốc điều quân đội tới » tham gia giải tán biểu tình.

Vẫn theo chuyên gia Leather, “một kịch bản như vậy sẽ là cú đánh mạnh vào hình ảnh Hồng Kông, một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, vẫn duy trì ít nhiều Nhà nước pháp quyền, một Hồng Kông có chính quyền ổn định, chất lượng cuộc sống thuộc vào loại dễ chịu ...

Và người được hưởng lợi từ cú ngã của Hồng Kông chắc hẳn sẽ là Singapore. Đảo quốc này sẽ là nơi đón tiếp những ngân hàng, dịch vụ tài chính nếu phải bỏ Hồng Kông. Xa hơn, cuộc khủng hoảng Hồng K ông còn có thể kéo theo hệ lụy không nhỏ đối với các trung tâm tài chính của Hoa lục như Thâm Quyến hay Thượng Hải.

mediaSinh viên Hồng Kông biểu tình trước địa điểm thượng cờ mừng Quốc khánh Trung Quốc, 01/10/2014.REUTERS/Tyrone Siu

Diễn biến tại Hồng Kông tiếp tục chiếm lĩnh các trang báo Pháp sáng nay 02/10/2014. Qua vụ Hồng Kông, Đài Loan nghi ngờ chính sách « Một quốc gia, hai chế độ » của Bắc Kinh. « Cách mạng ô dù » tại Hồng Kông tiếp tục thách thức Bắc Kinh. Hồng Kông muốn lãnh đạo Lương Chấn Anh từ chức. Trước sự nổi dậy của Hồng Kông, Bắc Kinh vờ bình thản và người dân Hoa lục mù thông tin về Hồng Kông. Trên đây là những nhận định chung của các tờ báo.

Bắc Kinh, kẻ nuốt lời hứa
Xã luận của Le Monde trên trang nhất có tựa đề : « Hồng Kông : thách thức chính trị cho Trung Quốc ». Kể từ sau vụ Thiên An Môn 1989, đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc bị thách thức như thế. Một thách thức đầy khó khăn. Nhưng Bắc Kinh phải gánh lấy toàn bộ trách nhiệm. Bởi vì chính Bắc Kinh mới là kẻ thất hứa (như những gì báo chí Pháp nhận định trong những ngày qua). 

Bài viết cho rằng đó là một sự tiến triển phù hợp với những gì đã được thương lượng giữa Anh quốc và Trung Quốc trước khi trao trả.
Xu hướng đó phù hợp với nguyên tắc : « Một quốc gia, hai chế độ ». Nói một cách khác, Hồng Kông, nằm trong Trung Quốc, nhưng vẫn giữ cách điều hành của mình : một nền tư pháp độc lập, Nhà nước pháp quyền, các quyền tự do cơ bản, nhất là trong lãnh vực truyền thông.

Nhưng vào trung tuần tháng Tám năm 2014, Bắc Kinh thông báo nắm quyền kiểm soát tối ưu về việc chọn ứng viên tranh cử. Nghiêm trọng hơn nữa, trước đó, trong Sách trắng công bố vào tháng 06/2014, có nói rằng chính quyền xác quyết vị thế của Hồng Kông được tồn tại là vì Bắc Kinh dung túng. Trung Quốc yêu cầu các thẩm phán và công chức trên cựu lục địa phải chứng thực tình yêu với « mẫu quốc », xem như là bày tỏ lòng trung thành với đảng cộng sản. Hiểu một cách khác, lý trí nhà nước Trung Hoa đặt trên cả nhà nước Pháp quyền của Hồng Kông. Một sự phản bội, ít nhất trong tinh thần những cam kết 1997, Le Monde viết.

Hồng Kông là « mồi » để bẫy « cá lớn » Đài Loan
Thế nhưng, « Đàng sau Hồng Kông, cả ván cờ Đài Loan » là nhận định của Libération. Đây cũng là tựa đề bài phân tích. Chính sách « Một quốc gia, hai chế độ » : là một công thức cho phép Trung Quốc thu hồi lại Hồng Kông. Nhưng nó cũng là một công cụ phục vụ cho chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. Và để rồi từ đó ngấp nghé sang đảo quốc Đài Loan.
Đối với Libération, « Một quốc gia, hai chế độ » là một kiểu khái niệm kỳ lạ. Kiểu mô hình « tâm thần » khá đặc trưng này, lúc khởi đầu do chính Bắc Kinh đề xuất để thu hồi đảo quốc từ tay người Anh. Theo đó, Hồng Kông được phép giữ nguyên hệ thống điều hành và những quyền tự do ngôn luận trong khi mà chính người dân trong Đại lục không hề được hưởng.
Và cũng chính với nguyên tắc đầy nghịch lý này mà Bắc Kinh dự tính hoàn thành « nhiệm vụ vinh quang » được đề ra là « Thống nhất toàn Trung Quốc » bằng cách « hợp nhất Đài Loan ». Thậm chí, Đài Bắc có thể duy trì quân đội của mình, theo như lời hứa của Bắc Kinh.

Công thức « Một quốc gia, hai chế độ », không phải chỉ xuất hiện trong cuộc thương lượng lấy lại Hồng Kông, mà là do Mao Trạch Đông đề xuất vào năm 1960 với chính quyền theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa đại bại. Theo đó, cái giá phải trả cho việc nếu chấp nhận hợp nhất, chính phủ của ông Tưởng Giới Thạch chỉ việc từ bỏ chủ quyền trong các chính sách ngoại giao. Phần còn lại Đài Bắc được giữ nguyên. Lời đề xuất đó bị ông Tưởng Giới Thạch chế giễu vào thời điểm đó.

Đài Loan không phải là lãnh thổ duy nhất tin tưởng vào những lời « hứa hảo » của Bắc Kinh. Trong những năm 1950, sự « hào phóng » đó cũng được chế độ cộng sản giơ ra với nhiều vùng khác nhau như Tây Tạng hay Tân Cương để đổi lấy sự tự trị bằng quyền bảo hộ của Trung Quốc. Nhưng những gì xảy ra ở Tây Tạng đã khiến cho nhiều khu vực mà vào thời điểm đó Bắc Kinh chưa kiểm soát được đã từ chối lời đề nghị.

Bởi vì, đối với họ, công thức « Một quốc gia, hai chế độ » dường như không có gì là bền vững mà chỉ là bước đầu cho chiến dịch đồng hóa. Chắc chắn vì điều này, vào thời điểm trao trả Hồng Kông, Bắc Kinh đã cam kết chỉ duy trì hệ thống chính trị hiện có trong vòng 50 năm (nghĩa là chỉ đến năm 2047).
Đề xuất này lại được Đặng Tiểu Bình đề cập đến với Đài Loan vào năm 1978 nhưng cũng không thành. Đến lượt mình, ông Tập Cận Bình hồi tuần rồi cũng đưa ra trở lại, khẳng định với các nhà lãnh đạo Đài Loan rằng công thức « Một quốc gia, hai chế độ » là điều kiện tốt nhất. Đương nhiên ông Mã Anh Cửu, tổng thống Đài Loan đã bắn tiếng rằng đại bộ phận dân Đài Loan phản đối đề xuất này. Bởi vì « nước Cộng hòa Trung Hoa (tên chính thức của Đài Loan) là một quốc gia có chủ quyền, có bầu tổng thống, nghị viện và tự quản lý công việc của mình ».

Đối với Đài Loan, chuyện Bắc Kinh bề ngoài đã giữ lời hứa để Hồng Kông giữ nguyên các quyền tự do kể từ năm 1997, chỉ là một « quỷ kế ». Bắc Kinh ném con mồi lớn để bẫy « con cá lớn » không ai khác chính là Đài Loan.

Hồng Kông xác quyết nét đặc thù trước Bắc Kinh
Trở lại với Hồng Kông, Le Monde cũng có bài phân tích khá hay đề tựa « Hồng Kông khẳng định nét đặc thù của mình trước Bắc Kinh ». Nếu như làn sóng bất tuân dân sự vẫn đang làm tê liệt Hồng Kông từ cuối tuần vừa rồi (28/09/2014) không nhằm mục đích chống lại Bắc Kinh, sự kiện làm nổi rõ những rạn nứt chính trị, văn hóa và bản sắc Hồng Kông, sau 17 năm trở về mẫu quốc.

Người Hồng Kông duy trì một mối quan hệ đầy mâu thuẫn với Đại lục. Một phần bản sắc chính trị được hình thành nhằm chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc, một chế độ mà nhiều người đã phải bỏ trốn : ký ức tập thể Hồng Kông cũng được hình thành từ những toàn bộ hồi ức tỵ nạn này, Le Monde viết
Theo Le Monde, dưới sự quản lý của Trung Quốc, Hồng Kông đã bị phân cực. Một bên là một bộ phận thành phần ưu tú của xã hội theo Trung Quốc, được các nhà tài phiệt ủng hộ và một bộ phận cựu cánh tả theo cộng sản. Bên kia là một xã hội dân sự gần với các đảng chính trị ủng hộ dân chủ, những người biến đặc khu hành chính thành trung tâm đấu tranh.

Ngoài những trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia khác nhau về sự tiến triển của các tổ chức chính trị và xã hội dân sự, đáng chú ý nhất là nhận định của nhà nghiên cứu Chan Ki Chit. Ông quan tâm đến « tính Trung Quốc đầy mâu thuẫn của bản sắc Hồng Kông », được trình bày trong tạp chí Viễn cảnh Trung Quốc. Mối tương quan giữa Hồng Kông và Trung Quốc thay đổi theo từng theo kỳ.

Trước năm 1997, Hồng Kông xem Trung Quốc như là một « kẻ khác », « lạc hậu và thấp hèn ». Sau khi trao trả, Trung Quốc lại trở thành « miền đất cơ hội » cho nhiều người Hồng Kông. Nhưng nó cũng là nguồn cội của mọi kiểu phiền toái và xung đột liên quan đến việc « phân chia nguồn sống giữa người dân tại chỗ và các du khách đến từ Hoa lục » : dịch vụ y tế công, bình đẳng cơ hội học đường và thậm chí sản phẩm tiêu thụ như sữa bột chẳng hạn.

Một mặt niềm tự hào trước sự thành công của Trung Quốc và những tương đồng về lịch sử cũng như biểu tượng văn hóa (Vạn Lý Trường Thành, tiếng phổ thông…) đã tạo nên sự hợp nhất với Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, người Hồng Kông khát khao bảo tồn những nét đặc trưng riêng của mình. Chính từ chỗ bị giằng xé giữa hai cảm giác, Hồng Kông đã phát triển « một bản sắc pha trộn » : tự nhìn nhận mình vừa là Hoa, vừa là Hồng Kông. Nghĩa là, họ phân biệt theo kiểu « Trung Quốc chính trị » và một « Trung Quốc văn hóa và kinh tế ».
Như thế người Hồng Kông có thể « gia nhập vào bản sắc Trung Hoa, nhưng đồng thời cũng không gắn kết với chế độ cộng sản chuyên chế và tham nhũng ».
Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Chan, kiểu « chiến lược bản sắc thực dụng này cũng có giới hạn » : những bất đồng phát sinh xung quanh tranh chấp về quyền tự trị và dân chủ hóa của Hồng Kông, ngày càng có lợi cho xu hướng can thiệp chính trị thường xuyên hơn từ Bắc Kinh.
Hoàng Chi Phong : thần đồng cách mạng
Trở lại với « Mùa xuân Hồng Kông » theo như cách gọi của Libération trên trang nhất, đang thu hút được sự ủng hộ rầm rộ của giới sinh viên học sinh và nhiều tổ chức xã hội dân sự khác, Libération đặc biệt chú ý đến gương mặt lãnh đạo trẻ 17 tuổi qua hàng tựa: « Hoàng Chi Phong, thần đồng cách mạng ».
Hoàng Chi Phong, thần đồng chính trị 17 tuổi, giờ đã trở thành « khắc tinh » của chế độ cộng sản Trung Quốc, Libération viết. Lúc 12 tuổi, cậu đã thành lập Scholarism, hội đoàn sinh viên-học sinh. Chính nghiệp đoàn sinh viên này đã tung ra chiến dịch bất tuân dân sự làm chấn động cả Hồng Kông.
« Thân hình mảnh khảnh, với cặp kính cận đen, nhưng tài diễn thuyết tuyệt vời ». Cách đây hai năm, chính cậu đã đấu tranh chống lại chính quyền Hồng Kông quyết định đưa việc giảng dạy « lòng yêu nước » vào trong trường cấp 1và hai. Vì những bài giảng đó bỏ qua những giai đoạn đen tối của lịch sử Trung Quốc như nạn đói trong những năm 1958-1962, cướp đi sinh mạng của 45 triệu người ; các vụ truy bức trong Cách mạng văn hóa (1966-1976) và đàn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989.

Bắc Kinh vờ bình thản, dân Trung Quốc mù thông tin
Đối mặt chiến thuật để tự hụt hơi của Bắc Kinh, sinh viên Hồng Kông tiếp tục dấn tới. « Đường phố Hồng Kông ra tối hậu thư cho Bắc Kinh » là nhận định của Le Figaro. Lãnh đạo phong trào sinh viên đe dọa leo thang cho đến khi nào lãnh đạo đặc khu hành chính từ chức.

Le Figaro cho rằng tối hậu thư của sinh viên là một sự đánh cược đầy rủi ro. Họ tham vọng được xử lý vấn đề trực tiếp để bàn lại cải cách do Bắc Kinh đề ra. Theo đó, Trung Quốc sẽ sàng lọc các ứng viên cho bầu cử lãnh đạo đặc khu vào năm 2017. Trong con mắt của nhiều người dân ở đây, mục tiêu này quá tham vọng.

Tuy nhiên, Le Figaro đặc biệt chú ý đến thái độ của Bắc Kinh đối với những gì đang diễn ra tại Hồng Kông trong một tuần qua. Tờ báo nhận thấy là « Bị thách thức, chính quyền Trung Quốc vờ tỏ ra bình thản ».

Hôm qua, 01/10/2014, là ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thoạt nhìn, đài truyền hình trung ương CCTV không để lộ cho thấy người đứng đầu nhà nước có dấu hiệu gì căng thẳng. Ông Tập Cận Bình tỏ thái độ rất bình thản và điềm tĩnh. Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp cho thấy ông Tập Cận Bình bình tĩnh xung quanh 2.000 vị khách mời trong Đại sảnh đường.

Nhưng những gì đang diễn ra sôi sục tại Hồng Kông, người dân trong nước mảy may không hề hay biết. Không một chút hình ảnh nào được phát trên truyền hình. Hơn nữa, chưa bao chính quyền Bắc Kinh gia tăng các biện pháp kiểm duyệt mạnh mẽ như vậy. Ngoài việc đánh cược vào sự hụt hơi của phong trào, chính quyền trung ương tìm mọi cách tấn công vào các trang mạng xã hội để chặn người dân xem tin tức như phong tỏa trang mạng Instagram, đánh sập các tiểu blog…

Và nhất là chặn những nhà ly khai để họ không thể bày tỏ sự ủng hộ. Những ai tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã bị chính quyền bắt giữ và thẩm vấn. Theo nhận định của một chuyên gia thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International : « Hành động trấn áp các nhà đấu tranh tại Trung Quốc làm sáng tỏ những lý do mà nhiều người Hồng Kông bấy lâu lo ngại : sự kiểm soát ngày càng lớn của Bắc Kinh lên chuyện nội bộ của đặc khu hành chính ».

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo vươn vòi sang Đông Nam Á
Nhìn sang Đông Nam Á, báo Le Monde có bài viết báo động đề tựa « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (EI)mở rộng mạng lưới sang Đông Nam Á ». Nhiều chi nhánh chiêu dụ hiện đang hoạt động mạnh trong khu vực.

Theo con số thống kê chính thức « hơn 10% người nước ngoài chiến đấu trong hàng ngũ EI có lẽ có nguồn gốc Đông Nam Á ». Các vụ quyên góp tiền trong khu vực từ các cá nhân, hay các hiệp hội, thậm chí cả đào tạo chính trị đang tài trợ cho chuyến đưa người sang Trung Đông, công tác tuyên truyền và cung cấp tài chính cho tổ chức thánh chiến EI.
Hầu hết tại các quốc Đông Nam Á có người Hồi giáo sinh sống đều có ít nhiều dính dáng đến các tổ chức Nhà nước Hồi giáo EI như Philippines , Malaysia, Thái Lan, ngay cả đảo quốc nổi tiếng bình yên Singapore cũng phải lên tiếng báo động.

Đáng lo nhất là tại Indonesia, quốc gia Đông Nam Á có đông người theo đạo Hồi nhất phải đối mặt một mối họa ngày càng lớn từ những kẻ tâm phúc của EI đang có mặt trên lãnh thổ. Một nhân vật nổi cộm của nhóm Hồi giáo cực đoan, lãnh đạo tôn giáo Abou Bakar Baachir , đang thọ án 15 năm tù từ năm 2011, đã tuyên thệ trung thành với EI ngay trong phòng cầu nguyện ở nhà giam được giám sát chặt chẽ trên đảo Sumatra.

Theo Le Monde, sự ảnh hưởng của EI có thể dựa vào mạng lưới tài chính và sự lôi kéo nhiệt tình ngay trong lòng các đại học Hồi giáo tại Indonesia như Ciputat chẳng hạn, ủng hộ công khai các luận đề của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Vấn đề là, theo như nhận định của thành viên của Interpol tại Lyon, Pháp : « Chừng nào những người có quan tâm không thực hiện những hành động bạo lực, không sở hữu vũ khí hay cũng không che giấu kẻ chạy trốn, họ có thể giảng đạo công khai về thánh chiến tại Syria mà không e ngại bị truy tố. Mỗi quốc gia có luật lệ riêng ».

Cuối cùng Le MOnde cho hay, theo ước tính có thể tin cậy được từ các cơ quan tình báo phương Tây, « 250 » là con số quân thánh chiến Indonesia có mặt trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo.


Biểu tình ở Hồng Kông: Khi mãnh thú mắc xương…
Canhco
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) được xem là
 một nhà hoạt động kiểu mới của thời đại liên mạng.
Câu chuyện không xảy ra trong sở thú hay rừng rậm Phi châu mà tại một thủ đô tài chánh của châu Á: Hong Kong.
Mãnh thú không phải là cọp, beo hay sư tử mà là một lãnh tụ đang làm hàng tỷ người run sợ: Tập Cận Bình.
Khác với đại lục, mảnh đất Hong Kong với 7 triệu dân, nhưng ít nhất tính tới lúc này hàng chục ngàn người không biết run sợ trước sức mạnh của con người được xem là quyết đoán nhất hành tinh. Mạnh mẽ và cực đoan trong sứ mạng giữ vững vai trò kẻ thống trị và nhất là không ngại ngùng thanh trừng đối thủ nếu ông ta cảm thấy cản trở bước tiến của mình.

Ruồi hay hổ gì cũng phải nể sợ ông ta vì không biết được lúc nào trong một hôm đẹp trời nào đó, công an gõ cửa dẫn đi vì một lý do rất được lòng dân chúng: tham nhũng.

Nhưng một chú bé 17 tuổi không hề biết sợ con mãnh thú ấy. Cậu không sợ mà còn dẫn dắt bạn bè cùng trang lứa không sợ hãi, và sau cùng hàng chục ngàn đồng hương của cậu đứng lên nói tiếng “không” với chính sách đảng cử dân bầu đối với dân chúng Hong Kong. Chàng thanh niên nhỏ thó ấy chính là Joshua Wong, hai lần khiến Hong Kong nỗi cơn thịnh nộ.

Lần thứ nhất, lúc ấy vừa 15 tuổi, chàng trai nhỏ bé này vận động một đám đông khổng lồ chống lại chính sách giáo dục nhồi sọ của Bắc Kinh muốn áp đặt lên nền giáo dục Hong Kong vốn nhắm tới trí thức và sự thịnh vượng để thay vào đó là khẩu hiệu ca tụng đảng, ca tụng đại lục.
Với hàng trăm ngàn người biểu tình bất bạo động chống lại nghị quyết đem nước mẹ Trung Quốc vào các ngôi trường tiểu học Hong Kong khiến chính quyền đặc khu hành chánh phải nhượng bộ và Bắc Kinh ê mặt vì không thể áp đặt lên xứ này những viên gạch đầu tiên xây ngôi nhà tù ý thức hệ.

Sau khi thành công, Joshua Wong bình thản tiếp tục học hành, thi cử như mọi thanh niên khác nhưng đôi mắt của anh mở to theo dõi từng động thái của chính quyền. Tai anh lắng nghe tiếng thầm thì lo lắng của người chung quanh về viễn cảnh người Hong Kong sẽ phải mất hẳn quyền phổ thông đầu phiếu, cái quyền căn bản của một thể chế dân chủ mà người dân Hong Kong đã sống cùng ngót cả trăm năm.
Nghe, thấy, để rồi phản ứng với những chính sách mà Bắc Kinh áp đặt lên cho người dân Hong Kong và sau cùng trở thành dòng chảy của tuổi trẻ Hong Kong cuốn phăng mọi sợ hãi về đảng cộng sản Trung Quốc mà Tập Cận Bình là tân hoàng đế.

Từ lúc lên ngôi cho tới hôm nay, có lẽ người làm cho ông Tập khó ngủ nhất là Joshua Wong bởi những yếu tố mà một lãnh tụ cùng với bao nhiêu chuyên gia chính trị hiến kế cũng thua một cậu thanh niên 17 tuổi.
Sức mạnh nào từ Joshua Wong có khả năng rúng động Đảng cộng sản Trung Quốc như vậy?

Trước và trên hết: anh còn quá trẻ. Trẻ đến nỗi tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh không thể nào vu khoát cho anh bất cứ sự chụp mũ nào như thường thấy. Anh trong veo và thông minh. Anh can đảm và dịu dàng. Anh không có bất cứ một kêu gọi bạo động nào và luôn chủ trương tuyệt đối bất bạo động, tuyệt đối tránh cho chính quyền khó xử và vì vậy kêu gọi bạn bè né tránh tất cả những hành động dù vô tình nhất có thể gây bất mãn cho người thi hành công vụ. Anh lấy được trái tim của cảnh sát cũng như lực lượng chống biểu tình, đẩy họ trở về nơi xuất phát mà không bị một chỉ huy nào phê phán hay kỷ luật.
Những trái đạn hơi cay bắn ra như làm bổn phận một cách miễn cưỡng và hình ảnh cảnh sát vội vã lấy nước rửa mắt cho một người biểu tình trúng hơi cay đã làm Joshua Wong sáng rực thêm giữa biển người tràn ngập đường phố.
Joshua Wong: nỗi ám ảnh của con mãnh thú Tập Cận Bình.
Quân đội Trung Quốc tràn xuống Hong Kong ư? Không còn gì dễ bằng. Tuy nhiên tràn xuống rồi…sao nữa? bắt anh ta? Hong Kong đã làm rồi và chính một chánh án đã ra lệnh thả anh ra vì không đủ cơ sở ghép tội. Chánh án Hong Kong được đào tạo dưới cán cân công lý chứ không phải dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc quang vinh. Quân đội nhân dân Trung Quốc muốn thì cứ bắt, cứ đàn áp nhưng khó một điều: cảnh sát và chính quyền đặc khu không thể nhắm mắt bịt tai cộng tác để nướng người dân của mình.
Hong Kong cũng không đủ nhà tù để nhốt bằng ấy con người.
Bên cạnh đó không có nhà giam nào thoát khỏi đôi mắt dư luận thế giới khi liều lĩnh nhốt chàng thanh niên 17 tuổi chỉ có một tội duy nhất là đòi hỏi Hong Kong được quyền bầu cử người lãnh đạo trong tinh thần dân chủ.
Nếu Tập Cận Bình không thể giải tán cuộc biểu tình ngày một lớn của sinh viên học sinh và người dân Hong Kong, Trung Quốc sẽ lâm vào thế domino đe dọa sự chuyên chính của đảng cộng sản và từ đó một nguy cơ đổ vỡ lớn lao hơn cho toàn hệ thống.

Nếu đủ đảm lược và tàn nhẫn để làm một Thiên An Môn thứ hai, họ Tập sẽ bị thế giới nguyền rủa. Anh quốc, Hoa Kỳ cùng hàng trăm nước khác sẽ vào cuộc vì thế giới không thể chấp nhận một Thiên An Môn nữa khi mà chàng trai “tank man” vẫn còn ám ảnh lương tâm nhân loại.

Hai hình ảnh trước mắt không những làm cho mãnh thú Tập Cận Bình gầm rống trên ngai vàng mà còn khiến toàn hệ thống đảng Cộng sản Trung Quốc lo âu, mất ngủ. Một chàng trai sức khỏe không đủ khuân một trăm ký lô lại có khả năng đè một phần tư thế giới dưới thân thể bé nhỏ của mình há chẳng phải thần kỳ hay sao?

Rồi đây dù Bắc Kinh đưa ra giải pháp tạm thời nhượng bộ để rồi sau đó lập lại bàn cờ mới có tính toán kỹ hơn thì người dân Hong Kong vẫn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng không ai hiểu người Trung Quốc hơn họ. Cùng ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo và văn hóa nhưng chỉ khác một từ dân chủ đã khiến 7 triệu con người không biết sợ là gì.

Chỉ có người Trung hoa mới có khả năng chống nhà cầm quyền đại hán. Đài Loan trước đây rồi Hong Kong sau này sẽ tiếp tục theo con đường ấy. Bài học Joshua Wong sẽ giúp nhiều nước nhận ra chân lý: kẻ mạnh nào cũng có gót chân Achilles, nếu biết tấn công sẽ làm nó ngã quỵ.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official26/3/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link