Sunday, December 30, 2012

Làm thế nào để góp phần


 

 Làm   thế   nào   để   góp    phần

 Xây dựng Xã hội Dân sự tại Việt nam ?

 

(Bài góp ý nhân cuộc Hội thảo ngày 3 tháng 11 tại thành phố Santa Ana, Orange County miền Nam California)

 Đoàn Thanh Liêm

*    *    *

Được sự đồng ý của Ban Tổ chức cuộc Hội thảo, tôi xin hạn chế việc trình bày vào khía cạnh thực hành của công cuộc Xây dựng Xã hội Dân sự (XHDS) tại Việt nam trong giai đọan hiện nay vào đầu thế kỷ XXI.

 I - Để bắt đầu, xin điểm qua về tình hình sinh họat của XHDS tại Việt nam hiện nay.

A - Như ta đã biết XHDS là một khu vực thứ ba mà cùng với khu vực Nhà nước và khu vực Thị trường Kinh doanh hợp thành cái Không gian Xã hội do con người sống hợp quần với nhau trong xã hội mà tạo lập ra. Định nghĩa này có thể viết ngắn gọn dưới dạng một công thức như sau :

Không gian Xã hội = Nhà nước + Thị trường Kinh doanh + XHDS.

( The Social Space = the State + the Marketplace + the Civil Society)

Như vậy, XHDS bao gồm mọi tổ chức, đơn vị nào mà đều có 3 tính chất sau đây : a/ phi chính phú (non-governmental)

                b/ bất vụ lợi (non-profit)

                c/ tự nguyện (voluntary)

Và trong mối tương quan đối với chính quyền Nhà nước, thì XHDS vừa đóng vai trò làm Đối tác (counterpart) – như trong lãnh vực từ thiện nhân đạo - và vừa làm Đối trọng (counterbalance) – như trong việc bảo vệ công bằng xã hội, bảo vệ nhân phẩm nhân quyền của người công dân.

Trước năm 1975, thì tại miền Nam Việt nam vẫn tồn tại một khu vực XHDS có những đặc tính như trên – mặc dù vì hòan cảnh chiến tranh nên có những hạn chế này nọ vì lý do chính trị quân sự.

B – Tại Việt nam hiện nay, thì vì chính sách độc tài tòan trị của đảng cộng sản (totalitarian dictatorship) bao trùm lên mọi lãnh vực chính trị, kinh tế và cả văn hóa tư tưởng nữa - nên khu vực XHDS cũng bị đảng cộng sản lũng đọan thao túng thông qua những tổ chức “ngọai vi của đảng” – cụ thể điển hình như Hội Liên hịệp Phụ nữ, Đòan Thanh niên Cộng sản, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nhà văn v.v… Kể cả trong lãnh vực tôn giáo, thì cũng có đủ thứ tổ chức do đảng trực tiếp dật giây điều khiển mà nhân gian gọi là các thứ “Phật giáo quốc doanh”, “Công giáo quốc doanh” v.v…

Từ khi nắm được chính quyền trong tay, thì đảng cộng sản Việt nam đã luôn luôn áp dụng hòan tòan theo mô hình của Liên Xô, Trung cộng là : “Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và tòan diện” – như họ đã ghi rõ ràng trong điều 4 Bản Hiến pháp.

II – Vậy thì chúng ta phải làm thế nào để góp phần vào công cuộc xây dựng XHDS ở Việt nam?

Xin quý vị chú ý :  Câu hỏi này nêu chủ điểm là “Góp phần vào công cuộc xây dựng XHDS”, đó là bàn về vai trò của chúng ta là trên 4.5 triệu người Việt hải ngọai mà hiện đang sinh sống phân tán ở trên 60 quốc gia tại khắp thế giới. Cho nên công việc xây dựng XHDS chính yếu đó là phải do 90 triệu người dân hiện đang sinh sống tại quê hương Việt nam đóng vai trò chủ động đích thực – còn người ở hải ngọai như chúng ta đang ở đây, thì chỉ có thể đóng vai trò phụ họa yểm trợ cho công cuộc xây dựng vô cùng lớn lao đó mà thôi (supporting role).

A – Trước hết là rút kinh nghiệm xây dựng cụ thể thiết thực của cha ông chúng ta được thể hiện trong truyền thống dân tộc từ ngàn xưa.

Từ xa xưa, cha ông chúng ta vẫn thường nói : “Phép vua thua lệ làng” – tức là xác nhận một tình trạng thực tế là : Chính quyền trung ương dù bao trùm lên tòan thể quốc gia, thì cũng phải nhường bước cho chính quyền địa phương tại các thôn xã. Tình trạng này, người ta gọi là chế độ địa phương tự trị (local autonomy) – tức là địa phương có thẩm quyền riêng biệt của mình, mặc dầu vẫn chịu sự chi phối và lãnh đạo của chính quyền trung ương.

Mà như ta đã biết, từ nhiều thế kỷ trước tại nước ta chỉ có nền kinh tế nông nghiệp với năng suất rất thấp kém, nên ngân sách của chính quyền trung ương cũng như địa phương cũng rất hạn chế eo hẹp. Do đó mà không thể cung ứng cho nhu cầu họat động mạnh mẽ của guồng máy chính quyền như trong các quốc gia phát triển ngày nay. Vì thế, tại mỗi thôn xã thời trước như vào đầu thế kỷ XIX, thì chính quyền địa phương cũng chỉ có dăm ba người được trả lương để lo việc điều hành mọi công việc hành chánh thông thường của làng xã mà thôi. Và hầu hết các việc khác, thì do những vị kỳ mục, những vị tôn trưởng - là những người nằm ngòai guồng máy công quyền mà lại có uy tín đức độ tại địa phương -  đứng ra tổ chức vận động bà con góp công sức và tiền của ra để cùng nhau thực hiện những dự án cụ thể có ích lợi thiết thực cho tòan thể cộng đồng thôn xã đó.

Trong bài viết trước đây nhan đề là “XHDS tại Nông thôn Việt nam thời xưa”, tôi đã có dịp phân tích chi tiết về tình hình sinh họat trong xã hội cổ truyền tại các vùng nông thôn trước đây. Nay tôi chỉ xin nhắc sơ qua về mấy đặc điểm của XHDS vào thời xa xưa tại Việt nam.

 Điều đáng chú ý nhất là vai trò lãnh đạo cộng đồng do các vị tôn trưởng đảm nhận. Các vị tôn trưởng này gồm những vị có uy tín, được sự tin cậy yêu mến của dân làng – mà điển hình là những thầy đồ dậy dỗ hướng dẫn các môn sinh tại địa phương, những vị lãnh đạo tinh thần trong các tổ chức tôn giáo, những thân hào nhân sĩ xuất thân từ các “danh gia vọng tộc” v.v... Họ vừa có tài năng trí tuệ, vừa có đức độ và nhiều vị còn có tài sản tương đối khá giả để mà “người góp sáng kiến, góp công sức – người góp của” để cùng nhau hòan thành những dự án cụ thể có ích lợi cho bà con trong cộng đồng. Đặc biệt các cụ đồ nho, thì ngay các vị quan lại ở địa phương cũng phải nể trọng vì đó là sư phụ của chính bản thân mình hay của các bạn cũng làm quan lại đồng liêu với mình.

Đó là các vị sĩ phu, những nhà trí thức vừa cùng sinh sống chung với quần chúng nhân dân, chia sẻ mọi nỗi khó khăn vất vả của các thành viên trong tập thể xóm làng - và vừa dấn thân nhập cuộc trong những công việc thường ngày cùng với dân làng ngay tại hạ tầng cơ sở ở địa phương. Bởi thế, mà giới kẻ sĩ luôn luôn được xã hội trọng vọng và được xếp vào bậc cao nhất trong tập thể như dân gian vẫn thường gọi : “Sĩ, Nông, Công, Thương”. Cụ Nguyễn Công Trứ vào hồi đầu thế kỷ XIX đã ghi rõ vai trò tiêu biểu đáng kính đáng trọng của kẻ sĩ trong xã hội cổ truyền trong bài “Kẻ Sĩ” - như chúng ta đều đã được học ở nhà trường dưới chế độ Việt nam Cộng hòa trước năm 1975. Những vị sĩ phu có công với xóm làng thì thường được người dân biết ơn và lập miếu thờ trong các cơ sở gọi là “Miếu Tiên Hiền”.

 Nhưng điều thật đáng buồn là ngày nay tại Việt nam, sau gần 70 năm dưới chế độ độc tài chuyên chế của đảng cộng sản, thì qua các chiến dịch như “Cải cách Ruộng đất”, “Tập thể hóa Nông nghiệp” - tất cả khu vực nông thôn của chúng ta đều đã bị tàn phá tan hoang với tầng lớp lãnh đạo bị tiêu diệt tòan bộ. Và thay vào đó là các đảng viên, các công an, cán bộ Nhà nước tạo thành một “guồng máy kềm kẹp” rất chặt chẽ khắc nghiệt - khiến làm tê liệt mọi sáng kiến cải thiện xã hội mà tầng lớp kẻ sĩ thời xưa vẫn ra tay thi thố để góp phần xây dựng sự an vui hưng thịnh của xóm làng.

Do vậy, mà gần như đại bộ phận giới sĩ phu trí thức của Việt nam hiện nay, thì đều là những người sinh sống tại các thành thị. Lớp người này được tiếp cận với thế giới văn minh ở bên ngòai nhiều hơn – đặc biệt là có thể sử dụng internet để trao đổi tin tức với bà con bạn hữu ở khắp nơi trên thế giới. Nhờ đó mà họ cũng bớt được sự sợ hãi đối với cơ quan an ninh mật vụ của nhà nước, điển hình như nhiều người trẻ đã dám trực diện tranh đấu đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho người dân Việt nam. Nhất là họ còn tỏ thái độ chống đối với quân xâm lược Trung quốc, bất chấp sự đàn áp tàn bạo của chính quyền cộng sản hiện nay đang là tay sai của chế độ bành trướng bá quyền ở Bắc kinh.

Và điều đáng phấn khởi hơn nữa, đó là hiện đang có hàng ngàn các bloggers xuất hiện trên các trang mạng on-line để phổ biến thông tin và quan điểm suy nghĩ nhận định của mình cung ứng cho khối quần chúng mỗi ngày một thêm đông đảo – có thể lên tới con số hàng triệu người – trong cái không gian mạng lưới điện tử hiện đại (cyberspace) – mà công an cộng sản dù tinh vi thâm độc đến mấy đi nữa, thì cũng không thể làm sao ngăn chặn phá phách tiêu diệt cho hết được nữa. (Tình trạng này đã được nói đến trong bài “XHDS trong thời đại Internet” phổ biến vài năm trước đây).

Đó quả thật là một khía cạnh lạc quan cho công cuộc tranh đấu cho sự Tòan vẹn Lãnh thổ, cho Tự do, Dân chủ, cho sự Công bằng Xã hội, cũng như cho Nhân phẩm và Nhân quyền của nhân dân Việt nam chúng ta vào đầu thế kỷ XXI ngày nay vậy.

B – Kinh nghiệm học được từ các quốc gia dân chủ tiến bộ trên khắp thế giới ngày nay.

Người Việt hải ngọai hiện nay đang sinh sống tại khắp các châu lục, như tại Nhật bản, Đại Hàn, Đài Loan ở Á châu, ở Úc châu, ở Đông Âu, ở Tây Âu, ở Bắc Mỹ châu và cả ở châu Mỹ La tinh. Hầu hết đó là các quốc gia có chế độ dân chủ vững mạnh, có nền kinh tế phát triển phồn thịnh, cũng như có truyền thống văn hóa nở rộ khởi sắc. Và đặc biệt, tại các quốc gia này, thì đều có một khu vực XHDS sinh họat rất phong phú đa dạng – mà không hề bị chính quyền tìm cách hạn chế kiềm hãm hay gây chuyện làm khuynh lóat lũng đọan – như ta thấy hiện nay ở các nước cộng sản như Bắc Triều Tiên, Trung quốc và dĩ nhiên là ở cả Việt nam nữa.

1 - Lấy thí dụ riêng tại nước Mỹ là nơi chúng ta có đến gần 2 triệu người Việt đang cư ngụ sinh sống (trong số này phần lớn đều đã có quốc tịch Mỹ) - thì hiện có đến hàng triệu các tổ chức phi-chính phủ (NGO =non- governmental organisations) và hàng 3 triệu các nhóm nhỏ (small groups). Các NGO đều phải đăng ký với cơ quan nhà nước để được hưởng quy chế miễn thuế (tax-exempt). Còn các nhóm nhỏ, thì không cần phải đăng ký, vì họ cũng khộng cần được miễn thuế – lý do đơn giản là họ chi tiêu rất ít.  Người Việt Tỵ nạn chúng ta được tự do tổ chức thành các hội đòan đủ mọi lọai – chuyên về sinh họat tương trợ ái hữu, văn hóa, tôn giáo, xã hội và cả về mặt chính trị nữa. Chúng ta đều có tự do họat động thỏai mái như bất kỳ người công dân Mỹ nào - mà không hề bị ảnh hưởng của nạn kỳ thị phân biệt vì lý do chủng tộc, tôn giáo hay vì bất cứ lý do gì khác.

Khi gặp điều gì bất đồng ý hay bị đối xử bất công áp bức, thì chúng ta có thể áp dụng nhiều hình thức tranh đấu hợp pháp và bất bạo động nhằm đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho cá nhân hay cho tập thể của mình. Ta có thể dùng phương thức “vận động hành lang” (lobby) để kêu gọi sự hỗ trợ của giới chức trong cơ quan lập pháp cũng như hành pháp và tư pháp của chính quyền Liên bang hay Tiểu bang - để họ cứu xét lại những đòi hỏi chính đáng của chúng ta. Người dân cũng có thể phát biểu trên cơ quan báo chí truyền thông, với các tổ chức bảo vệ nhân quyền – điển hình như với ACLU (Hiệp hội Nhân quyền Mỹ = American Civil Liberties Union), Human Rights Watch, Amnesty International v.v...

Cái kinh nghiệm thực tế sinh động này cần được phổ biến sâu rộng đến với bà con ở bên quê nhà để họ tham khảo và tùy nghi áp dụng trong các họat động xây dựng tích cực và cụ thể trong hòan cảnh đặc thù của mỗi địa phương tại Việt nam.

2  – Trường hợp của các nước ở Đông Âu cũng rất đáng chú ý.

Các quốc gia này đã rũ bỏ được chế độ độc tài cộng sản từ cuối năm 1989 với sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh. Và trong hơn 20 năm qua, người dân ở vùng này đã dần dần khôi phục lại được khu vực XHDS một cách rất vững vàng ngọan mục. Và công cuộc chuyển hóa dân chủ tại đây đã dứt khóat trở thành một quá trình không thể nào mà lại có thể đảo ngược lại được nữa (irreversible processus) – tức là không thể nào mà trở lại với chế độ độc tài chuyên chế cộng sản như dưới thời sắt máu của Stalin được nữa.

Nói chung, thì sự thành công của người dân tại Đông Âu như vậy là nhờ vào sự tranh đấu bền bỉ kiên cường trong nhiều thập niên trước đó – điển hình như những cuộc nổi dậ liên tiếp ở Hungary năm 1956, ở Tiệp khắc năm 1968 (được gọi là Mùa Xuân Praha), rồi đến các Phong trào Đòan kết Solidarnosc ở Ba lan, Phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp khắc vào cuối thập niên 1970 v.v…

Trên phương diện quốc tế, ta cần ghi nhớ ảnh hưởng của Thỏa ước Helsinki được ký kết vào năm 1975 giữa các quốc gia Âu châu, kể cả các nước trong khối Xô Viết, thì thỏa ước này đã tạo ra được một cơ sở pháp lý và chính trị rất thuận lợi cho sự phát triển của phong trào tranh đấu Nhân quyền ngay tại các nước độc tài cộng sản – để rồi đưa tới thắng lợi cuối cùng vào năm 1989 như chúng ta đã thấy.

Kinh nghiệm “Xây dựng và Phục hồi XHDS” quý báu này từ các nước “cựu cộng sản” ở Đông Âu cũng như ở 15 quốc gia tách biệt ra từ Liên bang Xô Viết cũ sẽ rất có ích cho Việt nam chúng ta trong giai đọan “hậu cộng sản” sắp tới vậy.

III – Để tóm lược lại.

Việc xây dựng XHDS là công trình rộng lớn của tòan thể khối quần chúng nhân dân - thông qua hàng ngàn, hàng vạn những tổ chức và đơn vị có đủ cả 3 tính chất : phi chính phủ, bất vụ lợi và tự nguyện. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài và gian khổ nữa – chứ đó không thể là một việc làm đơn giản dễ dãi như chuyện trở bàn tay ra mà thành công được.

Ngay từ hồi đầu thế kỷ XX, cách nay cỡ 100 năm, nhà cách mạng ái quốc Phan Châu Trinh đã hô hào tòan dân phải cùng dấn thân nhập cuộc vào cả 3 mặt trận rộng lớn được tóm gọn trong khẩu hiệu : “ Nâng cao Dân trí + Chấn hưng Dân khí + Cải tiến dân sinh”. Thì cả ba mặt trận đó vẫn còn có giá trị rõ rệt cho công cuộc xây dựng và phục hồi lại XHDS trên quê hương đất nước ta ngày nay vào thế kỷ XXI vậy.

Cụ thể, chúng ta phải chuẩn bị gấp rút ngay từ lúc này – dù đất nước hiện vẫn còn đang bị sự kềm kẹp ngặt nghèo thâm độc của đảng cộng sản ngoan cố với chủ trương phản dân bán nước. Cũng như cụ Phan đã lên tiếng kêu gọi ngay giữa lúc nước Việt nam đang bị thực dân Pháp xâm chiếm đô hộ và áp đặt một chế độ đàn áp dã man tàn bạo.

Nói cho rõ ràng và ngắn gọn hơn, thì người Việt hải ngọai chúng ta cần  tiếp tục hỗ trợ tích cực hơn nữa đối với mọi dự án cụ thể thiết thực của bà con trong nước trong lãnh vực tranh đấu chống kẻ thù ngọai xâm là Trung cộng, cũng như chống bè lũ nội xâm là Việt cộng. Cũng như sát cánh với công cuộc tranh đấu đòi Công bằng Xã hội, đòi Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của đại khối dân tộc là bà con máu mủ ruột thịt thân yêu của tất cả mọi người chúng ta.

Dĩ nhiên là chúng ta vẫn nên tiếp tục hỗ trợ những công việc xã hội từ thiện nhân đạo – cụ thể như cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt, giúp đỡ người bị tật bệnh nan y như bệnh phong cùi, bệnh HIV/AIDS, hỗ trợ các đồng bào sắc tộc thiểu số, giúp đỡ về y tế giáo dục, về dậy nghề cho người dân ở những vùng sâu vùng xa kém phát triển v.v…

Hàng ngũ cộng sản hiện đang có dấu hiệu suy thóai rệu rã - do nạnbè phái tham nhũng đã trở thành căn bệnh quá nặng nề trầm trọng - do sự bất tín nhiệm của đa số quần chúng nhân dân trước sự gian trá lường gạt tầy đình của giới lãnh đạo của đảng. Và nhất là còn do sự xâu xé mâu thuẫn đấu đá lẫn nhau trong nội bộ của đảng mà hiện đã đến mức độ không còn có thể hàn gắn cứu chữa được nữa.

Đó là cơ hội đang chín mùi, rất thuận lợi cho công cuộc tranh đấu nhằm giải thể lọai trừ vĩnh viễn cái chế độ vô luân, bất nhân và thất đức đã hòanh hành tàn phá đất nước ta từ gần 70 năm qua vậy./

 

Costa Mesa, Tháng Mười Một 2012

Đoàn Thanh Liêm

 


 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link