Sunday, September 16, 2012

TÌNH NGƯỜI NGHĨA KHUYỂN


CHUYỆN NGẮN


 

TÌNH NGƯỜI NGHĨA KHUYỂN

 

                 * Bút Xuân  TRẦN ĐÌNH NGỌC

       

Mỗi khi ngồi ôn lại chuyện xưa ở làng Thụy Khê, ngọai ô thành phố Hà Nội - nơi gia đình tôi có thời gian cư ngụ -  có nói đến lão Bảy Thuộc và chú dì Thẩm, tôi lại cười nhắc với mẹ câu tục ngữ mẹ vẫn thường nói với tôi và các anh chị của tôi mà bà có ý dùng nó để dạy dỗ:

        Con không chê cha mẹ khó

        Chó không chê chủ nghèo!

        Rồi tôi bình thêm một câu:

        “Mẹ coi, chó không chê chủ nghèo nhưng con có nhiều đứa vẫn chê cha mẹ khó đấy.”

        Mẹ tôi gật gù làm rung rinh cả mái tóc bạc trắng đã cắt ngắn mà hồi tôi mới biết nhìn ra mẹ, nó đen như mun và dài phải dùng khăn vấn mới đỡ lên đầu được:

        “Ừ thì ca dao tục ngữ ông bà mình nói vậy nhưng có phải ai cũng giống ai đâu con, bá nhân bá tính mà.”

        Tôi thầm đồng ý với mẹ tuy nhiên lại không nghe mẹ phê bình về chó. Chó, theo chỗ tôi biết, mười trên mười con không chê chủ nghèo. Đó là cái đặc tính rất đáng yêu của loài thú bốn chân đã được người thuần hóa thành gia súc.

 Tôi xin kể chuyện lão Bảy Thuộc với con chó Vàng của lão.

        Người ta bảo lão Bảy Thuộc không phải người làng chúng tôi nhưng lão dạt đến làng Thụy Khê này với một con chó đã mấy năm nay sau trận cháy lớn ở bên kia bến đò Gia Lâm. Chẳng biết lão có phải là nạn nhân đám cháy ấy không nhưng chú Tám Hói người làng thì quả quyết lão Bảy Thuộc chính là nạn nhân và vụ cháy lớn đã thiêu rụi hàng trăm căn nhà trong đó có ngôi nhà gỗ ba gian hai chái đẹp đẽ của lão Bảy. Vợ và 6 đứa con của lão Bảy đang ngủ trên gác xép chạy không kịp, bị thiêu sống. Có lẽ  khói đã ùa vào làm ngạt tất cả 7 mẹ con. Chỉ có lão Bảy Thuộc vì đi làm “ca” đêm nên thoát, thấy lửa cháy ngút trời vội đâm bổ ra bến đò về cứu vợ con nhưng con đò nhỏ, vì dân về cứu người nhà quá đông, lái đò đuổi không lên, chở quá tải chìm nghỉm giữa dòng sông Hồng nước lũ đang chảy như thác, chẳng biết những ai bị nước cuốn đi, ai bơi vào bờ được.

Ông lái đò, ông Thuyến bảo chắc chắn ba chị em con Nâng chết đuối rồi. Còn cả chục người đàn bà nữa, cả con gái nhỏ nhỏ chắc chết hết nhưng ông ta không nhớ hết được. Mất con đò chuyên chở làm ăn, ông Thuyến cũng bán sới, đi mất đất, chẳng biết đi đâu.

Lão Bảy Thuộc, nhờ bơi giỏi và vứt bớt quần áo cho nhẹ mới vào được bờ bên kia, nhưng lên bờ chỉ với một cái quần đùi (sà lỏn). Dù quá mệt vì phải bơi khá xa ngược với dòng nước lũ phù sa chảy xiết, lão Bảy Thuộc  thở hổn hển muốn đứt hơi nhưng vẫn siêu vẹo chạy về nhà cách bờ sông khoảng cây số rưỡi. Tới nhà thì tất cả chỉ còn là một đống than hồng với mùi thịt người cháy khét lẹt.

Chẳng riêng nhà lão, gần trăm ngôi nhà khu Giếng tổ Ong đứng sát sát vào nhau cháy không còn một căn. Nhiều nhà khác cũng có người chết cháy, nhà một, hai người, nhà ba, bốn người nhưng chết cháy 7 người như nhà lão Bảy Thuộc, một gia đình chết nhiều nhất thì chỉ có mình lão Bảy. Chỉ còn trơ lại những đống than và những cái nền nhà cháy xém đen đúa,  tình cảnh toàn khu trông quá thê thảm!

Vật duy nhất lão Bảy Thuộc còn lại trong căn nhà thân yêu vợ chồng lão đã ở  gần 20 năm là con Vàng, con chó lão xin về nuôi đã dăm năm nay.

Con Vàng khôn và lanh, chắc khi ngửi mùi khói nó đã biết chạy ra khỏi cái sân gạch nhà lão. Nó có tìm cách cứu bà chủ tức vợ lão và những đứa con của lão không, không ai biết. Người ta chỉ thấy nhà lão Bảy gần trung tâm phát hỏa đầu tiên, chắc vì thế vợ con lão đang ngủ say không chạy kịp mà chết cháy. Vợ con lão ở trong buồng, đóng kín cửa, khói luồn vào làm ngộp ngay. Còn con Vàng nằm coi nhà ở sân trước, ắt nó thấy lửa và khói lúc căn nhà mới bắt đầu cháy.

Thấy lão Bảy về, con Vàng vẫy đuôi mừng chủ, mắt nó trông như ngấn lệ. Có lẽ nó biết bà chủ và các cô cậu chủ nhỏ thân yêu của nó bị thiêu sống trong căn nhà chăng? Nó thấy căn nhà bị cháy và không thấy mẹ con bà chủ, tất nó biết hỏa hoạn đã xẩy ra và những người thân yêu của nó vắng mặt một cách lạ lùng. Nó không phải người để hiểu hết được nhưng nó có linh tính về sự mất mát mà nó chưa từng bao giờ thấy như thế.

Lão Bảy vuốt vuốt vào lưng nó vài cái rồi đứng gục đầu vào cây cột cháy dở,  khóc rưng rức như đứa trẻ, con Vàng đứng bên chân chủ buồn rầu. Bảy mạng người và tất cả nhà cửa, sự nghiệp một đời của lão ra tro chứ phải ít đâu. Giá như ông Trời chỉ thiêu rụi căn nhà và đồ vật mà để vợ lão với 6 đứa con lại cho lão thì dù sao lão cũng bớt đau khổ. Người còn thì của còn. Người mất thì có bao nhiêu của cũng không bù lấp được. Giá như lão còn trẻ...nhưng lão đã hơn sáu chục, dễ gì làm lại cuộc đời để có một vài đứa con khác?

Dân trong làng những khu không bị cháy bu đến rất đông để coi xem ai còn, ai chết cháy. Có những người quen muốn an ủi lão Bảy Thuộc một câu. Nhiều người đàn ông muốn giúp lão Bảy bới đống tro than kiếm 7 xác chết dùm lão nhưng đống than lớn còn quá nóng, không ai dám đến gần vì hơi nóng bốc ra hừng hực.

Người ta hè nhau lấy thùng, chậu múc nước ở cái giếng nông đầu đình dội trên đống than cho nó ngàn sớm đặng bới than ra kiếm xác người. Lại cũng nhờ làng xóm, lão Bảy mới có 7 cái săng (hòm) lớn bé chôn vợ con. Thời đó, khi không có tiền mua cỗ săng, cỗ ván, người ta cưa cái phản đang dùng trong nhà ra làm săng. Đành rằng nó chẳng đẹp nhưng có cái mà an táng người chết trong lúc không tiền không gạo như lão Bảy cũng là quí. Ngay đến những tấm ván thôi, tức cỗ ván khi cải táng người chết, dân quê thời đó cũng không vứt đi mà dùng chúng để chắn chuồng lợn, chuồng gà. Ngoài chuyện được việc, có người tin rằng người chết sẽ phù hộ cho đàn gà, đàn lợn ấy ít bệnh tật, hay ăn chóng lớn.

Ngày lão Bảy đưa vợ con ra đồng là một ngày mưa gió bão bùng mù trời đất nhưng vì những cái xác cháy nứt nẻ thịt da mau chương, mau thối, mùi tử khí xông ra hàng xóm không chịu nổi. Vả lại, quan huyện Từ Liêm đã về khám ra lệnh chôn từ mâý hôm trước nên lão Bảy phải nói khó với những người họ hàng thân thuộc, dù mưa bão cũng phải mang 7 cái săng đi chôn mới yên được.

Tám người đàn ông, con trai khoẻ mạnh, với lão Bảy là 9, cứ 4 người ràng giây thừng vào và có đòn tre dài, khiêng một cái săng đem ra gò mả của làng. Săng nhỏ xíu của mấy đứa trẻ thì khiêng hai cái một cho nhanh. Bảy cái huyệt đã được đào xong từ vài ngày trước, thả dây hạ huyệt rồi lấp đất bằng miệng. Họ làm trong mưa gió bão bùng, sấm chớp liên hồi trên bầu trời mà lỗ huyệt thì đầy nước, cái săng cứ nổi lềnh bềnh ở trong huyệt.

Mấy người này phải cố xúc đất đổ xuống cho cái săng chìm xuống đáy huyệt, xong đứng lên trên dậm đất cho nén xuống, đổ cho đầy bằng miệng kẻo chó ngửi mùi bới lên tìm xác. Sau trận bão, lão Bảy sẽ rủ thêm Tám Hói, hai người hai cái mai, lấy thêm đất ruộng đắp cho cao lên thành bảy nấm mộ hẳn hoi, trồng mỗi mộ một cây dứa dại để đánh dấu đàng đầu, đàng chân,  chứ ngay hôm nay thì chịu thua ông Trời.

Làm từ trưa mãi tới tối mịt mới chôn cất xong. Tất cả đội mưa tụ về nhà anh chị Thính ăn bữa cơm tối, có đĩa lòng lợn với vài cút rượu ngang, để gọi là trả ơn mấy người thân thuộc giúp việc chôn cất. Anh Thính là cháu lão Bảy Thuộc, gọi lão bằng chú ruột. Nhà anh Thính may chưa cháy, chỉ xém thôi.

Sau khi an táng vợ con, lão Bảy trở nên vô gia cư, mát mát, khùng khùng thành ra mất cả việc làm,  công việc gác-dan cho một nhà máy làm sơn lão đã làm nhiều năm. Tám Hói, như một người hiểu chuyện hay người thân của lão Bảy, bảo với mọi người rằng, lẽ ra lão Bảy Thuộc điên mới phải vì cú “sốc” điếng người mà không thì cũng mượn dòng nước hay chút thuốc phiện dấm thanh ra đi cho mát mẻ tránh cái cõi đời quá đau khổ này. Nhưng không, lão Bảy Thuộc vẫn can đảm sống, an phận sống mặc dù cuộc sống của lão không lấy gì làm khích lệ.

       

Vợ chết rồi, tứ thời bát tiết lão Bảy Thuộc chỉ có vài bộ đồ thay đổi. Mùa hè nóng nực một tí nhưng dù sao cũng dễ sống hơn, quần áo thế nào cũng được. Mùa Đông lão có cái áo va-rơi cũ mầu cứt ngựa, thứ lính Pháp vẫn dùng, lão luôn luôn vận trên người. Ban đêm lão dùng nó làm chăn. Cái mũ “phớt” mầu nâu bạc phếch cũ xì cũ xịt, thứ mũ tây quăng,  lúc nào cũng sùm sụp trên đầu dù là nắng hay mưa. Cái bị cói đựng tất cả gia tài của lão quàng bên vai và luôn luôn trên tay là một cây gậy, thứ trúc già nhiều đầu mặt đã hơ lửa và uốn cho thẳng.

        Từ ngày đó, lão Bảy Thuộc và con Vàng như hình với bóng. Lão ở đâu, con Vàng ở đó. Lão ăn gì cũng chia cho Vàng một miếng.

Con chó Vàng của lão Bảy là một con chó đặc biệt. Nó khá lớn, mơn mởn và dồi dào sinh lực. Giống chó ta hoàn toàn chứ không lai giống, lông ngắn, tai nhỏ, lông vàng sậm ngoài một khoảng nhỏ  mầu trắng ở dưới bụng chạy lên tới cổ. Người ta bảo nó là “thạch sùng bám cổ”, quí tướng của chó, ai nuôi được nó sẽ giầu sang.

        Vậy mà nào lão Bảy Thuộc có giầu, có sang.

Ban ngày, lão Bảy Thuộc dắt con Vàng vào thành phố xin ăn. Lão ngồi ở cửa Nam chợ Đồng Xuân, con chó Vàng ngồi cạnh, cái bị cói để trước mặt. Các bà nội trợ đi chợ hàng ngày đã quen mặt lão, người bỏ vào bị một chinh, người cái bánh chưng, bánh tẻ. Thế cũng tạm đủ cho hai thầy trò. Vãn buổi chợ, lão đứng lên dắt con Vàng ra về. Có hôm đi ngang hàng phở gánh, vừa lúc chỉ còn vài bát cuối cùng, bác phở Miều nổi hứng đãi lão một bát và cho con Mực vài cái xương bò nằm gặm. Ăn xong, lão cám ơn rồi lại dắt chó đi tiếp.

   Hình như có một thời gian lão Bảy Thuộc đã nhận làm những công việc người ta mướn lão như cạo sét vỏ tầu, phụ thợ sơn tầu, thổi bễ lò rèn, phụ ráp xe đạp v.v...nhưng lão không chú ý được lâu, đang làm bỗng đãng trí, thợ chính kêu lấy cái này lão trao cái kia lung tung cả lên nên chủ lại cho nghỉ. Lão chẳng biết làm sao nên đành cứ tới chợ Đồng Xuân nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người.

Có hồi lão ngủ đường ngủ chợ quanh quanh khu chợ Hôm, khi ở góc đường Hàm Long bị Cảnh sát lùa lên xe đem giam đến sáng mới thả. Bị vài lần như thế, lão Bảy Thuộc hơi ớn nên mò về Thụy Khê và cái góc đình làng bị lão để ý. Hai thầy trò lão từ đó đóng đô trong góc đình Thụy Khê, ngày đi xin ăn, tối về  ngủ.

        Được khoảng vài tháng yên ổn, bữa đó làng có hát chèo, người ta dọn dẹp sửa sọan cho gánh hát  mới lòi ra cái ổ rơm đầy nhóc một góc gian của lão Bảy Thuộc và con Vàng. Thế là ngay bữa đó, ông xã trưởng gặp lão Bảy bảo lão không được ở đó nữa. Túng thế, lão xin một chỗ khuất làm một cái lều nhỏ làm nơi tạm trú ban đêm cho lão và con Vàng. Thấy lão tử tế, vô hại, là người khá giả khi xưa nhưng vì hỏa hoạn mà ra nông nỗi thế này, làng đồng ý cho lão cái khoảnh đất nhỏ lối ra nghĩa trang, diện tích chỉ bằng hai cái giường.. Rồi người giúp vài cây tre, người cho mớ lá gồi, thế là lão và con Vàng đã có nơi chui ra chui vào.

        Lão Bảy Thuộc vẫn lên chợ Đồng Xuân ăn xin, sáng đi sớm, tối mịt mới về đến lều. Lũ trẻ con tụi tôi ít khi gặp lão Bảy nhưng mỗi khi gặp, nếu lão ngoắc tụi tôi lại, ấy là lão có kẹo trong túi, lão moi ra đem phát. Một lần sáu đứa chúng tôi đi bơi ở hồ làng bên về, trời ngả muộn muộn, ánh nắng đã gần hết, chúng tôi chợt thấy lão Bảy Thuộc với con chó Vàng đang chậm rãi đi ngược lại phía chúng tôi. Chúng tôi cố ý đi chậm để gặp lão. Khi lão đến gần, ba, bốn cái miệng cùng la một lượt:

        “Ông Bảy! Ông Bảy! Ông đi đâu về đó?”

        Lão Bảy Thuộc không trả lời vì nếu muốn, lão phải trả lời thế nào? Không lẽ lại bảo đi ăn xin về đó?

Lão dừng lại, sáu đứa chúng tôi đứng vây xung quanh, đứa hỏi câu này, đứa hỏi câu kia rối rít. Lão vẫn không trả lời chỉ nhe hàm răng rụng gần hết ra cười trơ cả lợi, tay vẫn dắt con Vàng đang ngoe nguẩy đuôi đứng bên. Lão đưa tay xoa đầu mỗi đứa chúng tôi, cử chỉ rất thân ái, rồi móc trong túi ra 3 cái kẹo gói bằng giấy bóng mầu xanh đỏ, tôi đóan là kẹo dừa. Thằng Tí nhìn thấy kẹo thích chí la lên:

        “Ông Bảy cho kẹo chúng bay ạ. Nhưng 6 đứa mà chỉ có 3 cái kẹo. Làm sao chia được ông Bảy?”

        Lão vẫn không nói, đôi mắt hiền từ nhìn từng đứa, xong lấy tay chỉ vào hai đứa rồi trao một cái kẹo, chúng tôi hiểu ngay hai đứa chia nhau một cái đấy. Xong lão cười hiền dắt con Vàng đi, vẫn chẳng nói một lời.

        Chúng tôi ngẩn ngơ với ba cái kẹo trên tay, đứng nhìn phía sau lão và con Vàng, trong đầu đầy thắc mắc cho đến khi lão tạt vào con đường ngang, khuất sau  bụi chuối um tùm. Lão đi ăn xin mà vẫn còn đãi kẹo chúng tôi! Có lẽ lão chẳng còn gì trong túi ngoài ba cái kẹo.  Còn sáu đứa chúng tôi, có mấy đứa nhà giầu, chúng tôi đã cho lão cái gì chưa, đã cho ai cái gì chưa? Ý nghĩ này làm tôi nghẹn ngào. Tôi bảo thằng Cam giữ phần kẹo của tôi với nó:

        “Thôi, mày ăn luôn cái kẹo, khỏi cần chia cho tao.”

        Tôi không ở mãi Thụy Khê để biết cuộc đời của lão Bảy Thuộc sẽ xẩy ra thêm những gì. Nhưng những đứa bạn từ hồi nhỏ đã kể thêm về lão Bảy cho tôi nghe khi tôi có dịp trở lại Thụy Khê sau này.

        Tụi nó nói cuộc đời của lão Bảy Thuộc và con Vàng cũng nhiều gian truân lắm. Một lần mưa gió quá không về kịp, lão phải ngủ ở hàng hiên trên phố hàng Đẫy, sáng hôm sau lão Bảy Thuộc bị xe cây hốt đi. Con Vàng lao lên xe với lão bị một Cảnh sát nện vào cẳng cho một dùi cui. Nó bị què lê què lết vì cú dùi cui quá nặng. Dù đói khổ, đau đớn thế (trong tù bữa đầu, lão Bảy không có cơm huống hồ là con Vàng), nó vẫn không bỏ chủ. Mấy Cảnh Sát viên tính bắt nó bỏ vào khu chó điên, chó lạc nhưng lão Bảy van xin quá, một hai nói rằng có nhốt thì xin nhốt cả lão và con Vàng một chỗ nên họ mới thôi.

Sau hai ngày, ba đêm Cảnh sát thả lão Bảy Thuộc và con Vàng. Lão chỉ mất ngủ mấy đêm nhưng con Vàng què chân đi khập khiễng trông thật tội nghiệp.

Lão Bảy Thuộc và con Vàng về đến cái lều ở Thụy Khê thì hai thầy trò đã mất sức rất nhiều. Lão để con Vàng nằm trong ổ rơm, đi hàng xóm xin rượu trắng và nghệ về chưng lên bóp cho nó. Nhưng nó bị sai khớp, vết thương lâu ngày cũng lành nhưng nó vẫn cứ đi khập khiễng như hôm bị nạn.

 Vài năm sau, trong một mùa mưa lạnh, người làng Thụy Khê không thấy lão Bảy Thuộc và con Vàng trở về lều nữa. Trước đó, người ta thấy lão có vẻ ốm yếu hẳn, không còn nhanh nhẹn tươi vui như trước. Lão già đi nhiều, tóc trước kia muối tiêu khi đến làng, giờ bạc phơ, dấu ấn những năm tháng chồng chất. Đôi vai lão rũ xuống, lưng khòm đi, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, nhiều vết nhăn ở đuôi mắt. trên trán và trên đôi gò má hóp, sạm nắng. Trước kia lão có cây gậy nhưng không cần chống mà chỉ cầm khơi khơi cho có nhưng nay cây gậy như vật bất li thân, nó giúp lão đứng và đi được. Nhiều người ở gần lối vào nghĩa trang vẫn nghe đêm đêm những tiếng ho khàn đặc từng hồi của lão mà ái ngại. Đã có người thấy tội nghiệp bảo lão đến ở nhà mình để cho ăn uống và săn sóc lão nhưng lão đều từ chối.

        Đến năm đó, con Vàng cũng đã già, có thể nó còn già hơn lão. Chó chỉ sống được khỏang 14-15 năm, khi nó hơn chục tuổi là ngang bằng với người trên 75 rồi.

        Con Vàng trở nên chậm chạp nhiều, đôi mắt kém lờ đờ không còn tinh nhanh như trước, thỉnh thoảng ghèn đùn ra. Cái lưng nó trũng xuống, những bắp thịt ở hai bên mông và đùi lép xuống và nhão đi không còn nẩy nở, căng phồng và rắn chắc như trước. Nó theo lão Bảy đi chậm chậm, cái đuôi vẫn ve vẩy tỏ vẻ “yêu đời” nhưng giá lão có thả nó ra thì nó cũng không còn phóng nhanh như trước mà chỉ một vòng sân nhỏ nhỏ, hơi thở của nó đã gấp gáp như cái bễ lò rèn.

        Đến một ngày, người ta không thấy lão Bảy Thuộc và con Vàng trở về cái lều ở nghĩa trang làng Thụy Khê nữa. Không ai biết những gì đã xẩy ra cho lão Bảy và con Vàng. Những người hiểu chuyện nói rằng lão đã chết ở dọc đường khi từ bãi đá bóng Cột cờ đi về căn lều. Bữa đó, nghe nói có hai đội bóng trứ danh tranh giải, lão dắt con Vàng đi lên đó xin ăn vì người đi coi đông lắm. Lúc tan, trời đổ cơn mưa, lão và con Vàng phải đứng trú trong hàng hiên nhà mặt đường. Có lẽ lão Bảy Thuộc bị đói và lạnh quá vì quần áo ướt sũng, nửa đêm lão trút linh hồn. Con Vàng vẫn nằm bên cạnh lão sau khi lão đã chết. Sáng hôm sau, Cảnh Sát thành phố nhìn được cho xe đến hốt xác lão đem đi chôn.

        Có một điều rất lạ. Con Vàng vài ngày sau lần mò về được nghĩa trang Thụy Khê. Nó chui vào lều nằm trong đó mà chẳng ai hay cho đến ngày hôm sau, vài đứa trẻ nghịch ngợm vẫn thường đến xin kẹo lão Bảy Thuộc phát giác ra con Vàng đã nằm chết trong lều.

        Bố tôi bảo không chỉ có một con Vàng nhưng có cả ngàn cả vạn con Vàng như thế nên câu tục ngữ rất đúng với thực tế.

 

                                      o0o

 

        Thế còn vế kia của câu tục ngữ, vế nói về những đứa con  an phận ở với cha mẹ dù cha mẹ nghèo khó?

        Tôi lại kể bạn nghe câu chuyện tưởng đã lùi xa vào dĩ vãng sau đây.

        Một người em họ xa của mẹ tôi, dì Vải, lấy chồng ở làng gần bên là chú Thẩm, có được 6 người con, đứa con trai lớn nhất năm đó đã 17, nó hơn tôi ba tuổi.

Chú Thẩm làm nghề lợp nhà ở nông thôn. Khi nào dân làng khá giả, được mùa, họ bỏ những cái mái cũ đi lợp lại. Nhà giầu, lợp ngói; nhà vừa vừa lợp bổi còn nhà nghèo thì chỉ rạ.

Nhóm lợp nhà của chú Thẩm có 3 người, đi làm đâu cũng đi chung với nhau. Họ làm công ngày, thí dụ nửa thùng thóc một ngày, nuôi cơm ba bữa, bữa tối phải có ít nhất một món nhắm như thịt luộc, lòng lợn v.v... với cút rượu trắng.

Năm nào mất mùa hoặc đói kém, nhóm thợ lợp nhà của chú Thẩm cũng đói vì chẳng có ai gọi đi làm. Cơm gạo chẳng đủ cho con ăn, sao dám rỡ mái nhà ra lợp lại mặc dù cái tội “dột nhà” là tội nặng nhất:

               Cha già không bằng nhà dột.

Cha già đây không phải là cha lớn tuổi, cao niên mà là cha mất còn nằm đó chưa an táng. Cha chết nằm đó đã lo lắng, bối rối nhưng nhà dột còn khổ hơn! Trời mưa đêm lạnh lẽo, mái nhà dột tứ tung, chẳng biết cho đàn con ẩn núp vào đâu, cái khổ cha chết có lẽ còn nhẹ nhàng hơn!

Chú Thẩm làm tiền kém như thế nhưng dì Thẩm cũng không may hơn bao nhiêu. Dì làm hàng xưng hàng xáo, tức đong thóc về xay, giã gạo rồi đem gạo ra chợ bán. May ra một thùng thóc có lời bằng một lon gạo với ít tấm cám cho lợn ăn, có khi chỉ được chút tấm cám, lại có khi đong thóc cao quá bị lỗ. Nhà 8 miệng ăn, hai vợ chồng với 6 đứa con, nhỏ nhất mới 2 tuổi. Thế là thằng Thấu xin với cha mẹ cho nó xuống Sa Châu, đi theo người quen ra biển đánh tôm cá. Chú dì Thẩm thấy nó còn nhỏ tuổi lại gầy gò chẳng biết có làm nổi việc chài lưới vất vả không, không muốn cho nó đi nghề nhưng nó cứ vật nài mãi rồi chú dì cũng phải ưng thuận.

Thằng Thấu được cái không say sóng, nó yếu thực nhưng chăm, những việc nhặt cá, tôm, sò, ốc trên những cái lưới kéo lên  ở giữa biển nó làm rất khá, hai Hùn là chủ chiếc thuyền đánh cá đó cũng phải thương cái tính chịu làm của thằng Thấu. Mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài ba, bốn ngày, tùy theo thời tiết có trời quang mây tạnh không, về đến bến, chú Hùn trả công cho thằng Thấu bằng tôm, cá, mực khô, dì Thẩm để con ăn một ít, còn một ít đem ra chợ bán cũng có thêm tiền mua rau mua cải.

Trong làng lúc đó có ông lý Cựu, tức xưa đã ra làm Lý trưởng, gia tư cũng có bát ăn bát để nhưng hai ông bà đến nay đã gần sáu chục mà chẳng có một đứa con.

Ông lý Cựu đã có lần mướn nhóm thợ lợp nhà của chú Thẩm đến lợp lại cái mái ngói. Hồi đó thằng Thấu mới 15 tuổi, tuy con nhà nghèo nhưng ăn mặc sạch sẽ, chào thưa lễ phép. Thằng Thấu buổi trưa  đó đến nhà ông lý Cựu báo cho bố nó biết, có một người khách ở Trung Lâm  đến muốn gặp bố nó để gọi đi lợp vài cái mái. Vì thế mà ông lý Cựu biết thằng Thấu. Ông lý hỏi nó mấy câu, nó đáp rất lễ phep, trơn tru làm ông rất ưng. Rồi ông tìm hiểu gia đình chú Thẩm ngay trong bữa cơm tối hôm đó, biết nhà chú Thẩm con đông mà cũng túng thiếu.

Khi đám thợ lợp nhà về rồi, ông lý Cựu hỏi ý kiến vợ xem có muốn nuôi đứa con trai để sau này nó cúng quải khi mình trăm tuổi không? Bà lý nghe chồng giải thích cũng có vẻ ưng, hỏi chồng:

“Thế ông đã nhắm được đứa nào chưa? Đứa con nhà tầm thường quá thì chắc gì nó thành người tốt mà lo lại cho mình được như ý mình muốn. Ông cứ coi vợ chồng ông hào Nhông nuôi con nuôi đấy. Nó chỉ ăn cắp tiền bạc, thóc lúa đi đánh bạc, chẳng làm ăn gì, một đứa ăn hại đái nát, nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Có con nuôi như thế thà đừng có còn hơn. Khi nào chết thì viết giấy cúng nhà đất cho chùa chiền, cho làng xã, viết rõ trong giấy nhờ họ ma chay cho mình mà lại hay hơn.”

Ông lý bảo vợ:

“Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Thằng Tự con nuôi hào Nhông là cái gương trước mắt sao tôi không đề phòng. Nhưng có phải đứa nào cũng hư thân mất nết như cái thằng đó đâu. Bà thử để ý thằng Thấu, con chú thím Thẩm, hôm nay chú ta đến đây lợp nhà cho mình đó. Tôi đã hỏi han nó, thằng bé rõ lễ phép, chăm làm, chỉ tội nó mới học xong lớp Ba đã phải thôi vì nhà bố mẹ nghèo; nhưng tôi coi nó có chí và chịu học chịu làm. Nếu xin được nó cho nó đi học lấy cái bằng tiểu học Pháp-Việt thì sau này cũng có thể ra lý trưởng như tôi ngày xưa được.”

Bà lý bảo chồng:

“Để tôi phải lại gặp mẹ nó và nó xem sao. Nếu ông ưng thì tôi cũng ưng.”

Sau khi nhóm thợ của chú Thẩm lợp xong mái nhà cho ông lý Cựu, ông lý rồi bà lý lấy cớ cám ơn lợp cho cái mái tốt, lại chơi thăm vợ chồng chú Thẩm hai, ba lần, lần nào cũng mua quà bánh cho rất đầy đặn. Khi thì mớ lòng lợn cả hai đĩa tây với nửa rá bún; khi thì hai nải chuối với hai trái dứa to tướng; lần sau cùng là một thúng con gạo nếp khoảng mười đấu. Quà bánh cho nhiều làm thím Thẩm ngại ngùng khi thím chưa biết cái hậu ý của ông bà lý Cựu là tính xin thằng Thấu làm con nuôi:

“Em biết hai bác lý có lòng tốt với gia đình chúng em nhưng khi lợp mái thì hai bác đã trả công nhà em tử tế rồi. Hai bác cho gia đình em nhiều quá làm em áy náy lắm mà chúng em chẳng có chi biếu hai bác...”

“Đừng nghĩ ngợi gì,” bà lý Cựu bảo thím Thẩm,”nhà tôi ít người mà quà bánh người quen cho hoài, đưa chú thím và các cháu ăn cho vui. Nhà tôi cấy cả mẫu lúa nếp nên nếp sẵn lắm, chú thím và các cháu thổi xôi ăn đi. Nếp mới dẻo lắm.”

Lần thứ ba, bà lý bảo với thím Thẩm trước khi về:

“Chẳng giấu gì thím, tôi và ông lý tôi số phận muộn mằn, chẳng có lấy một mụn con mặc dù có của dư ăn dư để. Chúng tôi có người làm cả trai, cả gái hầu hạ, không có con nhưng cũng chẳng sao. Chỉ mong muốn có một đứa con nuôi, tính nết ngoan ngoãn, đầu óc khá, chúng tôi sẽ cho nó đi học để sau này may ra giúp được việc làng, việc xã thì cũng “hạnh” mặt. Ông lý nhà tôi nói ông muốn xin chú thím thằng con lớn của chú thím là thằng Thấu làm con nuôi. Chúng tôi đã gặp cháu, thấy nó là đứa chăm làm, tính hạnh ngoan. Vậy thím thử bàn với chú xem chú có ưng không thì cho chúng tôi hay. Chúng tôi hứa cho nó đi học lại để đi thi bằng Tiểu học Pháp rồi sau này, có phúc thì có phần, chúng tôi coi nó như con đẻ, sẽ lo bề gia thất cho nó. Nó được học hành nên người có giá trị sau này trong làng trong tổng mà bớt một miệng ăn cho chú thím, để lo cho các em nó. Chú thím nghĩ sao cho chúng tôi hay.”

Chú Thẩm đi làm không có nhà. Thím nói với bà lý:

“Việc này em phải nói với nhà em xem nhà em và ý cháu ra sao rồi chúng em sẽ thưa với hai bác. Nếu được như lời bác hứa cho cháu đi học lại thì rất tốt cho cháu. Em nghĩ chắc nó sẽ bằng lòng mà nhà em cũng bằng lòng; nhưng phải để em dò ý nó xem sao chứ chắc nhà em thì cũng đồng ý lắm rồi.”

Bà lý Cựu đứng lên từ biệt, hẹn thím Thẩm cho bà ta biết sớm.

Tối hôm đó, chú Thẩm về. Thím Thẩm thuật lại câu chuyện xin con nuôi của ông bà lý Cựu cho chồng nghe. Nghe xong, chú Thẩm nói:

“Ông bà lý Cựu giầu có mà nhân đức. Tôi làm cho ông bà ấy tôi biết. Công xá trả khá hơn người ta mà cho ăn uống đàng hoàng lắm. Lúc về mỗi người lại được đĩa xôi với miếng thịt luộc. Ít người trong tổng này tử tế như vậy. Thảo nào hôm chót, khi chỉ có mình tôi, ông lý hỏi tôi về gia đình mình cặn kẽ lắm, hỏi kĩ về thắng Thấu, nó làm ăn gì, xưa học đến đâu, tính hạnh có ngoan ngoãn không. Tôi phải khai ra hết. À thì ra hai bác lý muốn xin con nuôi.”

Tối hôm sau, thằng Thấu từ vạn chài về, gánh hai cái thúng nhỡ đựng tôm, tép một bên, cá khô một bên. Chuyến này thuyền của chủ nó chở khẳm cá từ ngoài khơi về vì cá, tôm vào lưới đến rách cả lưới. Vì vậy, thằng Thấu được chủ thưởng cho một đồng với hai thúng nhỡ cá tôm khô. Thấu vừa đi rảo bước vừa suy nghĩ. Hai thúng cá tôm khô này đem ra chợ bán cũng được vài đồng, để mẹ đong gạo cho cả nhà. Còn một đồng trong túi đây thì đưa chó bố để bố làm gì thì làm. Không chừng cái mái rạ sắp phải lợp lại. Mùa tới đi cắt rạ mướn rồi mua lấy vài mẫu rạ tốt. Hai bố con gánh về, chất đó tử tế. Tuần nào bớt bận thì rỡ mái cũ ra rồi lợp bằng rạ mới. Rạ cũ để đun bếp. Chỗ rạ như mạt thì bón luống hành, luống tỏi. Chẳng phải vứt đi đâu cái gì.

Thấu nghĩ đến đó thì cảm thấy vui sướng trong lòng. Hễ làm được cái gì tốt cho cha mẹ hay gia đình, nó đều cảm thấy một niềm vui vô bờ.

Thấu đi thẳng vào giữa cái sân đất. Con Vện, với bốn con của nó mới bước nhanh theo đuôi, từ trong bếp ra mừng Thấu rối rít.

“Mày đã về, hả Thấu?” tiếng thím Thẩm.

“Dạ”.

“Mày có tôm cá gì vậy con?”

“Tôm, tép, cá khô. Bu ra mà coi.”

Thím Thẩm lật đật từ trong bếp ra sân, hai đứa con gái một đứa 12, một đứa 10 cũng theo thím ra sân.”

“Anh Thấu, anh Thấu.” Hai đứa nhỏ la tên anh chúng rồi cùng ngồi bên mẹ. Thím Thẩm đang coi từng thúng, dùng tay phải bới mãi tận đáy thúng lên xem tôm cá có bị gẫy nát không? Nếu bị gẫy nát thì chỉ có một nước, để lại cho gia đình ăn. Mớ to, trộng, xong xả, ngon lành mới đem ra chợ bán được. Thành ra nhà làm nghề, thím nghĩ, cả đời phải ăn thứ gẫy vụn, thứ to ngon phải đem chợ bán mới kiếm được đồng tiền đong gạo.

“Đi tắm rửa rồi ăn cơm,” thím Thẩm bảo Thấu,”rồi thày về thày có chuyện nói cho mà nghe.”

“Chuyện gì vậy bu?”

Thím Thẩm nói dối con:

“Nào bu có biết.”

Không biết mà lại nói như vậy. Rõ là người nông thôn chất phác. Ý thím Thẩm muốn để cho chú ấy nói với con cái thì chúng nghe lời hơn là thím.

Khoảng một lúc nữa, chú Thẩm về. Thấy cả nhà đang ăn cơm, trên mâm chỉ có một đĩa cá khô vụn vụn, mấy quả cà muối xổi chấm mắm tôm và một bát canh mồng tơi nấu với tép khô và mắm. Chẳng bù cho chú đi làm khắp nơi, tối nào cũng có chén rượu trắng với đĩa thịt luộc. Dù là ba người làm công với chủ nhà chia nhau đĩa thịt lợn đó với hai cút rượu nhưng thế cũng đã là sang, là hài lòng lắm. Nhắm xong ăn cơm thì có cá kho, giưa nén, canh bí hay canh bầu nấu với tôm khô. Ăn bữa tối thế thì chắc bụng rồi. Lại còn trà, nước, thuốc lào, trầu cau trước khi về, lại vài đồng tiền công lận vào cạp quần. Đi làm công thế mà sướng, chú Thẩm thầm nghĩ.

“Mời thầy xơi cơm.”

“Mời thầy xơi cơm.”

Sáu đứa trẻ ríu rít mời khi nhìn thấy bố. Bát cơm mấy đứa chú nhìn thấy ba mầu: vàng, trắng và vàng ngà. Vàng là mầu hạt ngô, trắng là gạo, còn vàng ngà là khoai lang khô. Chú thấy nghẹn nghẹn ở cổ họng. Chú thương vợ con quá. Cứ cả đời ăn độn sao? Ấy vậy nhà chú còn khá, nhiều nhà nồi cơm chỉ có mấy hạt, còn toàn ngô, khoai, sắn.

Chú Thẩm trả lời các con:” Ừ chúng mày ăn đi. Thầy ăn rồi.” Chú lửng thửng lên nhà trên hút thuốc, uống nước chè khô, đợi thằng Thấu ăn cơm xong.

Thằng Thấu ăn xong bưng bát nước chè khô lên nhà trên ngồi ở phản.

“Bu bảo thầy muốn hỏi con chuyện gì, phải không  thầy?”

Chú Thẩm rít xong điếu thuốc lào, buông cái xe và nhả khói lên mái:

“Ừ, để thầy hỏi mày cái này. Ngộ như bây giờ có người muốn xin tao cho mày làm con nuôi người ta thì mày có chịu đi ở với người ta không??”

“Đi làm đứa ở cho người ta, hả thầy?” thằng Thấu  nghĩ ngay đến tình cảnh túng thiếu của gia đình nó.

“Không, không có đi làm đứa ở, con hầu. Đời nào thầy cho mày đi làm những việc đó. Đi đây là đi làm con nuôi người ta...”

Thằng Thấu mới nghe tới đó thì vội chối ngay, không kịp để cho bố nó dứt lời:

“Con nuôi cũng vậy mà con ở, thằng hầu cũng vậy. Con chỉ ở nhà với thầy, với bu và các em rồi đi làm nghề được chừng nào hay chừng đó. Con không muốn đi ở với ai sốt.”

Giọng chú Thẩm nhẹ nhàng như có ý khuyến khích thằng con trai lớn:

“Nhà người ta giầu có lắm, kẻ ăn người ở thiếu gì nhưng người ta muốn xin con nuôi. Người ta cũng chỉ muốn xin mày vì biết mày ngoan ngoãn, chịu làm, siêng năng. Người ta hứa với thầy bu cho mày đi học lại chương trình Pháp để đi thi Tiểu học may ra sau này mày có ra làm việc làng việc tổng giúp cho làng, tổng được không? Người ta có ý hướng tốt như thế tao mới nói chuyện chứ cho mày đi ở thì chẳng thà để mày ở nhà...”

Ngưng vài phút, hai bố con cùng đang suy nghĩ. Thấu hỏi:

“Người ta là ai mà muốn xin con làm con nuôi vậy thầy?”

“Mày đã lại nhà hai bác ấy rồi. Đó là hai bác lý Cựu, tao mới lợp lại cái mái ngói cho hai bác ấy đấy. Hai bác ấy nhân đức lắm, mày mà được vào cửa hai bác ấy thì cứ gọi là chuột sa chĩnh nếp. Bác trai hứa cho mày đi học thật đấy, để sau này may ra mày có khả năng ra làm việc với làng như bác ấy khi xưa.”

“Thầy bảo hai bác ấy nhân đức mà sao trời bắt tội lại không có con, hả thầy? Nhân đức thì phải có con chứ thầy?”

“Mày hỏi thế thì ai mà trả lời được. Bắc thang lên hỏi ông trời ấy. Theo tao nghĩ, vợ chồng lấy nhau cũng như sinh con đẻ cái là cái số phần. Thiếu gì người tử tế không có con, hoặc là họ có bệnh sao đó chưa gặp thầy gặp thuốc. Sao, tao nói như vậy thì mày có chịu đi làm con nuôi hai bác lý không?”

Thím Thẩm nãy giờ đã lên ngồi nghe hai cha con đối đáp. Thím thấy cần khuyên thằng con một câu:

“Nhà hai bác ấy giầu có, lại tử tế đàng hoàng. Mày vào cửa hai bác ấy thì sung sướng hơn ở nhà với thầy bu nhiều. Mày coi đấy, các em mày ăn uống kham khổ thế mà chẳng được học hành gì. Mày đến đó sẽ được đi học, ăn sung mặc sướng, còn đòi gì nữa con? Khối đứa muốn mà chả được vì hai bác lý chỉ muốn nuôi mày...”

Thằng Thấu giọng hậm hực:

“Thầy bu không muốn nuôi con thì con ở vạn chài không về nhà nữa nhưng con không làm con nuôi ai đâu.”

Chú thím Thẩm thấy thằng con cứng đầu, biết ép nó ngay cũng không xong:

“Thôi đi ngủ đi! Suy nghĩ lại rồi vài hôm trả lời thầy sau cũng được.”

Chú Thẩm hút thêm một điếu thuốc lào, uống thêm bát nước chè khô rồi chui vào cái màn nâu đã vá nhiều chỗ, thím đang quạt muỗi và dập màn. Mấy đứa nhỏ cũng đã ra ao rửa chân, lê đôi guốc tre lẹp kẹp vào lên giường ngủ.

Nãy giờ, vợ chồng chú Thẩm và thằng Thấu ngồi nói chuyện trong bóng tối. Còn chút xíu dầu lạc, lúc nào thật cần mới đốt lên một tí rồi tắt ngay. Ban đêm, chú Thẩm hoặc thằng Thấu đã bện cái bùi nhùi rơm giữ lửa suốt đêm. Bùi nhùi đặt vào cái mảnh vung ang vỡ để ở góc cột trong nhà, khi cần lấy lửa thì đã có nắm đóm nứa để cạnh, thổi mạnh vào chỗ rơm đang ngún thì lửa bật lên, giơ đóm vào là có lửa liền. Một cái bùi nhùi dài khoảng gần cánh tay người lớn, cháy từ 8 giờ tối đến sáng bạch là vừa hết. Mấy tháng hè quá nhiều muỗi thì phải đốt một đống rấm ở ngay giữa nhà. Lá ẩm, củi ẩm không cháy mà chỉ cho rất nhiều khói. Khói um lên, khói quá làm người nằm trong nhà hơi khó chịu vì khó thở nhưng được cái muỗi sợ bay đi hết. Các chuồng trâu, bò, lợn muốn đuổi muỗi cũng phải hun khói như thế. Ngoài ra còn phải có mành mành dầy chắn bốn bên để muỗi khỏi vào, đốt súc vật.

Một tuần sau, khi thằng Thấu ở vạn chài về, lại cũng buổi tối lúc chú Thẩm  đi làm về. Chú lại hỏi lại những câu hỏi cũ, lại thuyết phục thằng con trai lớn rằng nhà túng thiếu, không đủ cơm gạo cho 5 đứa em nó nhưng thằng Thấu vẫn trả lời y như lần trước. Hôm sau, đích thân chú Thẩm phải lại thưa chuyện với ông bà lý Cựu:

“Thưa hai bác, chúng em biết hai bác có lòng tốt nuôi cháu, giúp nó học hành và đỡ đần cho chúng em nhưng nó quyến luyến gia đình quá, vợ chồng em nói thế nào nó cũng không chịu đi. Xin hai bác vui lòng vậy. Thực là “Con không chê cha mẹ khó, Chó không chê chủ nghèo” đấy hai bác!”

 

Bút  Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

Trích trong Tập truyện Tình Mẹ Con, Đông A xuất bản, 2009, 17 Truyện, 360 trang, 22USD cả cước phí trong nước Mỹ. Sách còn ít. Liên lạc mua sách: Julie.nb.tran@gmail.com hay 714-362-6037 (Cali.)

  

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -10/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link