......Mong đất nước một ngày không xa, bóng dáng Cộng Sản không còn trên đất nước thân yêu của chúng ta. Người Việt Nam chân chính đứng lên cầm nắm và xây dựng quê hương là một nước Việt Nam độc lập, phú cường, hạnh phúc…
30 tháng 4!
Tôi chưa một lần sinh nhật
Nguyễn Thừa Bình
Sáng nay, tôi tới tiệm hớt tóc Tấn’s trên đường Independent Ave, đối diện chợ Apple Market nhờ “hớt cao tóc chú lên một chút”. Hôm nay thứ Bảy, người tới hớt tóc đông quá, phải ngồi chờ. Không biết làm gì, tôi lấy tờ Việt Báo KC lên đọc, nhưng không có gì lại bỏ xuống.
Mấy người ngồi chờ, già có, trẻ có không biết
làm gì, họ xoay qua nói chuyện nầy, chuyện nọ với nhau, dù không muốn nghe, tôi
cũng phải nghe. Nghe câu chuyện của một thanh niên lạ lạ, trạc 30 tuổi nói như
kể chuyện về mình. Anh ta tới hớt tóc “để chiều nay đi “birthday” đứa con trai
cầu tự của thằng bạn rất thân mà năm nào vợ chồng nó cũng mời về tham dự cho vợ
chồng nó vui.
Ðến năm nay, ráng lắm tôi mới về tham dự lần đầu. Ðứa con trai
cưng, độc nhứt của vợ chồng nó, nó tổ chức hết sức rườm rà, to lớn, vui vẻ, làm
cho mình đôi khi cũng không biết ăn làm sao, nói làm sao”.
Một người cỡ tuổi với
anh ta, thắc mắc hỏi: “Có gì mà không biết ăn làm sao, nói làm sao dữ vậy”? Một
người chắc ngang tuổi tôi, khoảng 70 lại nói thêm vào: “Tụi tui ở Việt Nam, từ
hồi còn nhỏ cho đến già năm, sáu chục tuổi trước khi qua Mỹ có biết gì sinh nhật
với sinh nhiếc đâu. Qua đây, mấy đứa nhỏ mới bày ra “sinh nhật, mừng tuổi cho
ba, cho má”, mình mới biết mình già thêm một tuổi đời”.
Nhìn tới nhìn lui, chắc nghĩ tới phiên hớt tóc của mình còn lâu, người “thanh niên trạc 30 tuổi” vừa nhìn qua mọi người vừa từ từ nói:
- Chuyện ngày xưa lâu lắm, có từ trước khi tôi sinh ra, được nghe kể lại. Ba tôi là một Ðại Úy, Tiểu Ðoàn Trưởng Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Khánh Hòa. Lúc mà Nha Trang không còn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nữa, ngày 4 tháng Tư năm 1975 ba tôi dắt một số lính chạy giặc Việt Cộng. Nói thì chạy, nhưng thỉnh thoảng cũng đụng trận với mấy tên Việt Cộng nằm vùng địa phương.
Lúc đầu, lính tráng
còn đông, còn chỉ huy được, nhưng từ từ mỏn lần và cuối cùng thì mạnh ai tìm đường
nấy mà đi. Ba tôi bỏ súng, bỏ áo quần lính mà đi tay không với bộ đồ người dân
thường, tới đâu kiếm ăn đó. Nhiều khi đói, mệt, còn phải giành giựt đường đi với
người ta, ba tôi tưởng như không sống nỗi.
Khi thì đi bộ, khi đi ghe, khi thì
quá giang xe đò, xe Honda… ba tôi đi tới đâu thì y như rằng chỗ đó đã bỏ ngõ. Tới
Phan Rang ngày 16 tháng 5 thì Phan Rang đã không còn ai bóng dáng người lính Việt
Nam Cộng Hòa, có chăng là vài ba mén du kích Việt Cộng bắn vài viên đạn AK lạc
lỏng thị uy. Tới Cà Ná, Hòa Ða của Bình Thuận thì tình trạng như vào cơn hỗn loạn,
không có Việt Cộng cũng không có Quốc Gia, mà có quá nhiều khủng khiếp, hãi
hùng.
Ngày 19 tháng 4 sắp vào Thị Xã Phan Thiết thì nghe “đã giải phóng?” rồi.
Và cứ như vậy, ba tôi xuôi Nam vào Sài Gòn, về Củ Chi vào chạng vạng ngày 30 tháng
Tư năm 1975, sau khi ông Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng.
Trước đó gần một
tháng, má lớn của tôi dù sắp tới ngày sinh đẻ anh tôi, cũng hớt ha hớt hãi chạy
ra Long Khánh, ra Vũng Tàu tìm ba tôi bấy giờ đang ở đâu. Tôi gọi là “má lớn”
vì tôi là đứa con của người vợ sau của ba tôi. Không biết làm sao, chưa tới một
tiếng đồng hồ sau, thì mấy tên nhóc hàng con cháu ngày xưa ở cùng Xóm Chùa, bây
giờ làm Xã Ðội Xã An Phú và Cộng An Xã An Phú đã vào nhà còng tay ba tôi dắt
đi, lý do “thành phần nguy hiểm”. Bà nội tôi van lơn “Vợ nó sắp đẻ”; má lớn tôi
van lơn “Hai con tôi còn nhỏ dại lắm”; hai anh lớn tôi năm tuổi, ba tuổi đứng
nhìn, la, khóc thảm thiết.
Ba tôi, mấy ngày không có một hột cơm và vẫn bộ đồ
chạy loan tả tơi, nhìn mẹ, nhìn vợ, nhìn con mà nưóc mắt rưng rưng, uất nghẹn không
nói được một lời! Ba tôi muốn rờ đầu hai con mà thương lần chót; muốn cầm tay
nói với nội tôi vài lời; hun mẹ lớn tôi một cái từ biệt, nhưng phần vì hai tay
đã bị còng rồi và hai đứa Cộng An đã kềm, kẹp, kéo, lôi ba tôi đi.
Không biết
có phải tới ngày sinh đẻ hay vì quá xúc động mà má lớn tôi lại đau bụng đẻ vào
9 giờ đêm ngày hôm đó, ngày 30 tháng 4. Lúc bấy giờ tìm không ra “cô mụ” để đỡ
đẻ, má lớn tôi đau bụng quá, la khóc biết chừng nào, được mấy chị và em của má
lớn tôi khiêng võng chạy tới chỗ nầy rồi chạy tới chỗ kia. Anh của tôi được đẻ ở
dọc đường và cũng đã chết ở dọc đường.
Má lớn của tôi, nghe nói ra máu nhiều quá,
khiêng về tới nhà thì cũng qua đời luôn, lúc đó gần 12 giờ khuya.
Sau nầy, dù đã già lắm rồi, mỗi lần kể lại những chuyện trên, bà nội tôi lại nức nở khóc và không bao giờ quên “chữi cha mấy thằng Việt Cộng ác đảng, 30 tháng 4 “giải phóng” gì, giải phóng cho người ta chết, ngưòi ta đi tù ”.
Từ ngày bị bắt
đi tù, ba tôi bị nhốt kín trong một phòng giam nhỏ đủ có một chỗ nằm dài trên một
bục xi măng thấp có ánh đèn lờ mờ ngày đêm và thức ăn khi thì khoai lang, khoai
mì; khi thì bo bo, cơm độn…ăn không đủ tráng men dạ dày, nói gì qua loa ngày
hai bữa. Rồi bị “chuyển trại” nay chỗ nầy, mai chỗ kia, nhiều nơi không biết là
đâu.
Mấy tháng sau ổn định hơn, ba tôi mới biết mình về Cần Thơ rồi ra ngoài Bắc.
Ở đâu ở, ba tôi nói cũng trong rừng sâu, núi thẩm, đói ăn, thiếu mặc hết trơn
mà làm lụng thì cực lực. Mấy năm ở Yên Bái, ở Lào cai, ở Vĩnh Phú, ở Thanh
Hóa…sống chết với sơn lâm chướng khí, tưởng không nhìn thấy lại mẹ và các con
trong Nam.
Những người bạn tù với ba tôi, đa số được “thăm nuôi” hay nhận được
“quà” gởi, nhưng ba tôi thì không. Ba tôi biết, bà nội tôi nghèo lại già, việc
nuôi dưỡng hai đứa cháu nội không cha, không mẹ đã là khổ lắm rồi, làm sao từ
trong Nam lặn lội ra tới đất Bắc mà thăm con trong rừng, trong núi đèo heo!?
Tháng 9 năm 1982, tức đã 7 năm gần 5 tháng, ba tôi được thả về từ Trại Thanh
Lâm, Tỉnh Thanh Hóa, lúc hai anh của tôi, người đã 12 tuổi, người đã 10 tuổi rồi
và tôi thì chưa biết đang ở đâu. Về lại cố hương “Thành Ðồng Vách Sắt?” ba tôi
sống lại nghề ông bà là làm nông trong Ðội Sản Xuất Nông Nghiệp do một người bạn
học của ba ngày xưa trốn lính làm đội trưởng. Bà nội tôi mua đi bán lại những
thứ hoa màu miệt vườn như trái cây, rau cải, củ khoai, củ đậu.
Hai anh tôi đã
đi học lớp Tư và lớp Hai. Nhà cũng sống khó khăn, khốn khổ qua ngày đoạn tháng
và nỗi buồn nhớ má lớn của tôi không làm sao mà nguôi ngoai cho được.
Cuối năm, một cô giáo Tiểu Học từ Sài Gòn cách chừng 70 cây số, tình nguyện về Củ Chi dạy học. Hai anh tôi học ở đó vừa học giỏi lại vừa lễ phép, cô giáo mến thương. Một hôm thình lình, cô giáo tới nhà thăm hai đứa học trò của mình.
Nhà,
bà nội tôi đi bán ngoài chợ nhỏ chưa về; hai anh tôi ra ngoài ruộng bắt dế; chỉ
có ba tôi đang ngồi trong bếp lụm cụm nấu cơm chiều. Không biết hai người ăn nói
làm sao mà đầu năm 1983, cô giáo nhỏ hơn ba tôi tới 10 tuổi chịu về làm vợ ba
tôi.
Cô giáo theo chồng cày cấy, cuốc đất, làm vườn, sống đời cực nhọc nơi thôn
dã, bỏ nghề dạy học, bỏ thời con gái thị thành. Ngày 30 tháng 4 năm sau, năm
1984, tôi sinh ra đời cùng ngày và cùng căn nhà má lớn tôi chết trước đó 9 năm.
Vậy thì, tôi là con út của ba tôi và con đầu lòng cũng là con một của má tôi là
cô giáo từ Sài Gòn lên.
Không nói gì ba má tôi, bà nội tôi mà cả hai anh tôi nữa
rất thương tôi “thằng nhỏ chút xíu mũm mĩm”. Năm 1986, hai anh tôi, người lớn mới
16 và người nhỏ mới 14 phải nghỉ học “vì ba các em là một Ðại Úy Ngụy Quân”.
Cả
nhà buồn vô cùng, nhìn nhau chết điếng! Ba tôi đau xót ruột gan “thôi rồi, các
con không còn tương lai”! Bà nội tôi ôm hai anh tôi vào lòng không nói được một
lời nào mà nước mắt cứ chảy dài, chảy dài. Hai anh tôi buồn nhiều, không muốn nói
chuyện với ai và hình như có mặc cảm là con “ngụy quân, ngụy quyền”.
Ðầu năm
1988, anh lớn tôi bị bắt đi “nghĩa vụ quân sự” ở Kampuchia, dù ba tôi đã trình
bày nhiều lý do được miễn, trong đó có lý do đi HO. Chiến trường Kampuchia ác
liệt nhất là những năm 1976-1977 và 1978-1979. Anh tôi qua một năm trước khi
“Quân Ðội Nhân Dân” của Việt Cộng rút về năm 1989.
Vài tháng sau, ở nhà nhận được
tin một cách qua loa, ảnh đã chết vào ngày 30 tháng 4 năm 1988 tại Huyện Moung
Ruessei, Tỉnh Battambang, không tìm ra thi hài. Tại sao cứ phải là ngày 30
tháng 4? Cả nhà, ai cũng thắc mắc: 30 tháng 4 mất nước; ba tôi bị bắt đi tù; má
lớn tôi đi đẻ, chết; anh út của tôi mới sinh ra, chết; tôi ra đời và lớn lên;
anh tôi đi lính chết mất xác ở Kampuchia…! Rõ ràng ràng, ngày 30 tháng 4 là
ngày tang tóc, ảm đạm, đau buồn, đen tối biết chừng nào cho gia đình chúng tôi!
Ngày không có nụ cười! Lớn lên, tôi dần dần thấm thía biết mấy nỗi đau của gia
đình!
Giữa năm 1993, gia
đình tôi HO. 17 qua Mỹ vào một chiều Hè tại Phi trường Quốc Tế vùng Nam Cali
nóng ấm là San Diego Airport thường được gọi là Linbergh Field, lúc tôi vừa
tròn 11 tuổi. Những người bạn của ba tôi, tôi không biết từ đâu đến đón gia
đình tôi thiệt là đông và nhiều xe hơi quá chừng, long trọng như thể nghênh đón
một vị quan chức nào lớn lắm mà tôi vẫn thường thấy trên TV ở Việt Nam. Sau mới
biết, đó là những người trong Hội Cựu Quân Nhân và mấy nguời bạn lính cũng như
bạn tù của ba tôi. Bà nội tôi sau đó hai năm thì qua đời một cách êm ả, bình thản
như người ngủ một giấc ngủ dài thật dài, nhưng hình như vẫn còn nét mặt buồn rười
rượi!
Ba tôi qua Mỹ lúc 51 tuổi, làm ngày làm đêm, bây giờ đã nghỉ hưu. Tưởng về
hưu đi đây đi đó hay dưỡng già, nhưng ba tôi lại mệt, có lẻ còn hơn cả thời đi
làm hảng xưởng. Ba tôi phải coi sóc mấy đứa cháu nội, con anh Ba tôi và ngay thằng
con trai tôi mới hơn hai tuổi, “để ba má nó đi làm”.
Má tôi mới hơn 60 tuổi, còn phải “cày” thêm vài năm nữa mới được “full retire”. Bà cụ cứ than hoài: “Tao thấy mệt lắm rồi. Hồi trẻ dạy tụi nhỏ một ngày mấy lớp; đi cày đi cấy nặng nhọc cách mấy cũng không đến nỗi nào “oải cả người” như bây giờ tuổi già, sức yếu”.
Ở San Diego, ba tôi tích cực tham gia trong những sinh
hoạt cộng đồng, hội đoàn Người Việt Quốc Gia như Hiệp Hội Người Việt San Diego,
Lực Lượng Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa San Diego, Hội Người Việt Cao Niên San
Diego…Không những không bao giờ bỏ qua một buổi lễ Kỷ Niệm Ngày Quốc Hận 30
tháng 4 năm 1975 nào, ba tôi còn bảo vợ, con “Tụi bây phải đi để nhớ ngày đen tối
của đất nước và ngày đau thương của gia đình”.
Ở nhà, hoặc chiều hoặc sáng ngày
hôm đó, ba má tôi làm lễ giỗ cho má lớn và hai anh của tôi. Lễ giỗ, cúng đơn sơ
những món ăn chay thanh đạm. “Cúng để tưởng nhớ người thân quá cô, không phải
là dịp ăn uống, cười vui”, ba tôi thường nói như vậy.
Ở Mỹ, tôi thấy người ta cứ
cúng giỗ vào mấy ngày cuối tuần để có đông người tới lui ăn uống no say, ca hát,
la hét ồn ào. Ba tôi thì nhất định, “Mất ngày nào là cúng đúng ngày đó, không
bao giờ cúng trước hay cúng sau để mất đi ý nghĩa thiêng liêng và đạo lý gia tộc”.
Tôi sinh ra ngày 30 tháng 4 năm 1984, bây giờ đã 29 tuổi đầu, chưa một lần được
làm sinh nhật.
Ở Việt Nam, tôi ở trong một xã thuộc huyện nhà quê ở Củ Chi,
không nghe ai nói tới sinh nhật sinh nhiếc gì cả, không có thì không nói làm
gì. Ở Mỹ, sinh nhật người ta coi trọng biết chừng nào. Trong nhiều hảng, xưởng
không đông người lắm, ai cũng biết ngày nào là ngày “birthday” của ai để mua
thiệp, mua quà, mời đi ăn, chúc mừng, ca hát “Happy birthday to you. Happy
birthday to you…”.
Mấy đứa nhỏ Việt Nam lớn lên ở Mỹ cũng quý ngày “birthday” của chúng nó vô cùng và cha mẹ cũng lo cho và vui với tụi nó. Tôi từ San Diago lên đây ngày hôm qua cũng vì sinh nhật đứa con thằng bạn thân nối khố ngày xưa cùng xóm cùng làng ở Việt Nam. Ðã mấy năm nay, hứa tới rồi hẹn lui, năm nay tôi mới đi được.
Tôi ở
San Diego bên Cali lên đây cũng xa tít mù mù trên hai ngàn cây số đường máy bay
và cũng cả bốn tiếng đồng hồ, nhưng thấy trong lòng cũng vui vui và không mệt mỏi
gì. Nhưng tôi, ở Việt Nam không nói làm gì, ở Mỹ từ 1993 đến nay cũng hai chục
năm rồi, có thấy sinh nhật nào cho mình đâu!? Tôi không có sinh nhật, tại tôi
sinh vào “ngày đen tối của đất nước và ngày đau thương của gia đình”, như ba
tôi thường nói. “Vui gì ngày 30 táng 4 đó mà birthday, mà sinh nhật”, má tôi còn
nói thêm.
Riết rồi, tôi thấy ba tôi, má tôi nói cũng có lý, cũng chí tình và thấy,
hình như có nỗi đau uẩn uất trong lòng của song thân mình, làm cho mình đôi khi
cũng không biết ăn làm sao, nói làm sao. Và những ngày tháng đó, nếu có ai mời
vui chơi đâu đó, tôi thường từ chối khéo. Ðặc biệt năm nay lên đây vì bất đắc
dĩ và chắc chỉ một lần nầy thôi.
Bạn bè tôi thường hỏi: “sao không thấy mầy có
“birthday”? Cười khỏa lấp, tôi lập y khuôn lời nói của ba má tôi, rằng: “ Ngày
mất nước, có vui vẻ gì mà làm sinh nhật”. Tôi không muốn nói thêm, ngày đó còn
là ngày tang tóc của gia đình tao.
Người thanh niên như còn trớn, định nói thêm điều gì nữa, nhưng Tấn nhìn về phía anh ta, nhẹ nhàng nói: “Tới phiên anh hớt”. Anh cuối đầu chào tôi và lên ghế ngồi hớt tóc “để chiều nay đi birthday đứa con trai cầu tự của thằng bạn rất thân”.
Qua câu chuyện không mấy vui của anh ta và thực tế đã nhìn thấy qua mấy
chục năm nay, tôi ngồi nghĩ, cái ngày mà Việt Cộng chiếm Miền Nam gọi là
"Ngày Giải Phóng", thật sự cả Miền Nam Việt Nam bắt đầu đổ nát, tang
thương. Người Bắc được dịp làm giàu. Người Nam mất mát, chết chóc, cùng khổ!
“Ngày Giải Phóng?”, tạo ra ghét nhau giữa hai miền, Bắc từ Vĩ Tuyến 17 trở ra
và Nam từ Vĩ tuyến 17 trở vào, vì Bắc vào là cai trị, là ăn cướp, là hà hiếp mà
Nam thì bị “đổi đời” không còn gì, ngay cả mạng sống.
Từ sau ngày 30 tháng 4
năm 1975, giang sơn, đạo lý, truyền thống, mỹ tục của cha ông giữ gìn từ ngàn
năm nầy qua ngàn năm khác đã bị tiêu tan bởi cái chủ nghĩa ngoại lai không tưởng
Cộng Sản. Cộng Sản kiểu bán nước cho Tàu mà mất đất, mất đảo, mất biển. Cộng Sản
kiểu ăn cướp tài sản của dân nghèo mà thành triệu phú, tỷ phú và dân nghèo thì
phải đi làm đĩ khắp năm châu để kiếm ăn mà sống.
Cộng sản kiểu người dân kinh
hãi, thấy đâu đều tìm cách chạy trốn đến nỗi chết trôi sông, trôi biển, chết trong
rừng sâu núi thẩm. Người bạn trẻ trong hoàn cảnh đất nước tan hoang lại đau nỗi
đau gia đình oan khiên, vụn vỡ…thì niềm vui tìm đâu ra cho ngày sinh nhật của
mình!? Thôi thì “30 tháng 4! Tôi chưa một lần sinh nhật” cũng phải. Xin chia buồn
anh bạn trẻ sinh bất phùng thời.
Mong đất nước một ngày không xa, bóng dáng Cộng Sản không còn
trên đất nước thân yêu của chúng ta. Người Việt Nam chân chính đứng lên cầm nắm
và xây dựng quê hương là một nước Việt Nam độc lập, phú cường, hạnh phúc…
NGUYỄN THỪA BÌNH
Ðể nhớ ngày 30 tháng
4 năm 1975
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment