Sau Biểu tình, nghĩ về một Hiệu lệnh toàn dân
Hoàng Hưng
Sáng 11/5, trung tâm Sài Gòn
sôi sục biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Có đến vài ngàn người đủ thành phần, già trẻ gái trai, cả các em bé. Lần đầu tiên các lực lượng an ninh có ý thức dẹp xe cộ, mở đường cho đoàn tuần hành dọc các phố lớn tiến về Lãnh sự quán Trung Quốc. Khẩu hiệu khá tập trung: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!”, “Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi Biển Đông!”, “Trường Sa – Hoàng Sa – Việt Nam!”… Một cuộc biểu tình đầy khí thế nhưng nghiêm túc, trật tự, đầy “văn hoá” như mô tả của báo “lề phải”. Chẳng ai “lợi dụng” làm điều gì khác ngoài mục tiêu chung của người yêu nước, uổng công người ta vất vả và tốn phí kha khá để đề phòng, đối phó. Vẫn có những người đánh giá thấp dân mình thế đấy!
Thực ra có ít nhất ba cuộc biểu tình khác nhau:
một của nhóm nhân sĩ trí thức Sài Gòn (Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu,
Tương Lai, Kha Lương Ngãi…), một của Đoàn Thanh niên
Cộng sản, và cuộc tuần hành đông đảo nhất, sôi động, giàu sức sống nhất là của lực lượng “tự phát” càng đi càng kéo thêm nhiều người, bao gồm những người thuộc 19 tổ chức xã hội dân sự đã ký tên vào lời kêu gọi biểu tình từ mấy hôm trước cùng những người dân chỉ biết đi theo tiếng hô cứu nước của bất kỳ ai; “tự phát” đi hàng đầu đoàn tuần hành là “ông hội đồng” Đặng Ngọc Khoa, nhà báo
Huy Đức, blogger Huỳnh
Ngọc Chênh, nhà bình luận online Phạm Chí Dũng, nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa từ Đà Lạt đi xe đêm xuống (bên cạnh những anh em trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập: Phạm Đình Trọng, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, Phan
Đắc Lữ…).
Đây là cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược đầu tiên dường như có được sự đồng thuận từ phía chính quyền và các thành phần nhân dân.
Hay nói cho đúng: cuộc biểu tình lớn đầu tiên của người dân được “Nhà nước bật đèn xanh”! Vâng.
Chỉ cần Nhà nước bật “đèn xanh” thay
vì “đèn đỏ” là kẻ cướp nước thấy ngay lòng yêu nước của Nhân dân Việt Nam ra sao!
Vui ở đấy mà buồn cũng ở đấy.
Nếu nhớ lại cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược đầu tiên tháng 11 năm 2007 – cũng được “bật đèn xanh” – tiếp sau đó lại là những hình ảnh ô nhục cho một đất nước mà lòng yêu nước bị chà đạp thô bạo, thật không thể hiểu vì sao? Lẽ nào lòng yêu nước của người dân lại bị coi như con rối, lúc cho ra sân
khấu, lúc bắt thụt vào?
Thôi không nhắc thêm chuyện cũ thêm buồn, nhưng niềm vui khởi sự hôm nay đã có thể khiến người yêu nước yên tâm chưa?
“Những con mắt Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ” nhìn thấy con cháu chưa đủ mạnh để quét “một trận” cho Biển Đông “sạch không kình ngạc”.
Nhưng đáng suy nghĩ hơn, chỉ qua một cuộc biểu tình hôm nay,
cha ông cũng nhìn thấy con cháu chưa thể có được một “hội nghị Diên Hồng” trước khi vào trận. Ngược lại, vẫn có những hành động thật khó hiểu: ngăn chặn người này người kia tham gia biểu tình, phân biệt lực lượng “Nhà nước” với “phi Nhà nước”, thậm chí lực lượng trước tìm cách ngăn trở, cướp diễn đàn của lực lượng sau. Chỉ có lũ “kình ngạc” là hởi lòng hởi dạ trước những chuyện như thế.
Tổ quốc lâm nguy, gọi các con đứng dậy. Và những đứa con đã sẵn sàng. Nhưng, cũng như sáng hôm nay các dòng sông biểu tình đã không có
được một tiếng sấm trên cao để hoà thành biển sóng gầm, Tổ quốc vẫn đang chờ một Hiệu lệnh có đủ sức lôi cuốn cả trăm triệu người Việt trong và ngoài nước vào cuộc chiến đấu sống còn giữ lấy Giang sơn.
Ai là người có đủ tâm đủ tài, vượt lên mọi lợi ích phe phái, cục bộ, để phát lên Hiệu lệnh ấy? Tôi tin đó là
câu hỏi khắc khoải trong lòng mỗi người Việt hôm nay. Vì chỉ như thế, năng lượng yêu nước tiềm tàng mới có thể trở thành sức mạnh của Dân tộc mà không vũ khí
nào thắng nổi.
H. H.
Tác giả gửi BVN.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment