Saturday, May 10, 2014

Giàn khoan HD-981: Trung Quốc mưu toan một mũi tên trúng đích nào?



Giàn khoan HD-981: Trung Quốc mưu toan một mũi tên trúng đích nào?

Thứ bảy, 10/05/2014, 23:42 (GMT+7)
(Chính trị) - Trung Quốc muốn một mũi tên gần như bắn ra trúng nhiều mục tiêu: đối phó – xoa dịu tình hình trong nước; tiếp tục thực hiện kế hoạch chiếm đóng thực tế và khai thác nguồn lợi kinh tế trên Biển Đông, thử thái độ của Việt Nam và dường như quan trọng  hơn cả, đó vừa là câu trả lời, vừa là liều thuốc thử đối với chính sách khu vực của Hoa Kỳ.

·         >> Đất nước dầu sôi lửa bỏng, cộng đồng hải ngoại chung tay phản đối Trung Quốc!

















Không rõ Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta từ bao giờ. Tuy nhiên, chính trong những ngày Việt Nam kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thì thông tin về nó rộ lên.
Về các khía cạnh pháp luật quốc tế, đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này và không cần phải bàn thêm nhiều. Vị trí có giàn khoan là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Việt Nam tuyên bố và cộng đồng quốc tế thừa nhận, theo tiêu chuẩn của Công ước Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Vậy cái mà Trung Quốc cậy vào ở đây là gì? Đó là sự chiếm giữ thực tế – thuật ngữ “de facto” là để chỉ tình trạng này đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc chiếm giữ như thế có thể bằng một hành động quân sự như Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, hoặc có thể bằng một hành động hỗn hợp vừa quân sự, vừa sử dụng sức mạnh tổng hợp và các hiệp ước quốc tế, như trường hợp quần đảo Kuril trong quan hệ Liên Xô (cũ) nay là Nga với Nhật Bản; hay quan hệ tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku…
Tại sao lại có yếu tố “de facto” ở đây? Vì nơi Trung Quốc đặt giàn khoan lần này, cách đảo Lý Sơn của ta hơn 100 hải lý, nhưng chỉ cách hòn đảo gần nhất trong quần đảo Hoàng Sa, có hơn 10 hải lý. Chúng ta tuyên bố Trung Quốc vi phạm chủ quyền khi tiến hành khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là căn cứ trên sử liệu, trên luật pháp quốc tế và đạo lý. Còn Trung Quốc đang cậy vào sự chiếm giữ thực tế, là “de facto”.
Sự quan tâm của các quốc gia đối với các hòn đảo nhỏ ngoài khơi chỉ thực sự tăng lên với việc có hiệu lực của Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc, mà theo đó, mỗi một hòn đảo được tuyên bố chủ quyền, sẽ là một điểm như lãnh thổ đất liền, mà dùng nó người ta tiếp tục phân định cột mốc biên giới quốc gia trên biển, đẩy đường cơ sở ra rất xa và mở rộng vùng lãnh hải, cũng như làm cho vùng đặc quyền kinh tế trở nên rất rộng lớn. Thế giới đứng trước nguy cơ ngày càng thiếu năng lượng, nước phát triển càng “nóng” về kinh tế, thì càng thiếu năng lượng, nhất là năng lượng hóa thạch.
Vì thế mà tình hình căng thẳng tại các quần đảo nhỏ chi chít giữa các quốc gia xung quanh, ngày càng tăng lên – và chỗ nào có Trung Quốc, thì căng thẳng lại càng ở một mức độ cao hơn. Sức ép trong nước ngày càng lớn, thì thái độ của nhà cầm quyền Bắc Kinh càng hung hăng rõ ràng hướng ra bên ngoài – điều này chúng ta đã chứng kiến không chỉ một lần.
Giàn khoan HD-981, xâm phạm chủ quyền, TQ, bảo vệ biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông, yêu nước, vòi rồng, kiểm ngư, cảnh sát biển, chủ quyền quốc gia
Tàu Trung Quốc đâm, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển VN
Tại sao là thời điểm này?
Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc lần này ở biển Đông, ngay từ khi theo dõi những thông tin đầu tiên, chúng ta có thể đoán được rằng có vẻ họ hoàn toàn chưa có ý định tiến sâu hơn theo hướng gây ra xung đột quân sự; quy mô hành động đang là một giàn khoan vi phạm tuyên bố chủ quyền của Việt Nam; cùng với sự hộ tống và hành động khá bạo lực nhưng lại nghiêng về khía cạnh đánh nhau vỉa hè, chợ búa; tức là dùng chân tay: đâm húc, vòi rồng, v.v… và có vẻ, Hải quân hai nước vẫn đứng ngoài cuộc và kiềm chế. Nhưng tại sao họ lại quyết định hành động như vậy vào thời điểm này?
Nhiều ý kiến cùng thống nhất họ chọn thời điểm Việt Nam kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ là thuận lợi cho họ – điều này khá dễ thấy. Nhưng có cảm giác câu chuyện không chỉ có thế. Chúng ta thử nhớ lại từ đầu năm đến nay, sự kiện nào là nóng nhất tại Trung Quốc?
Về đối nội, tình hình Tây Tạng còn khá yên ả, phong trào tự thiêu của các vị sư Tây Tạng giảm bớt đến mức hầu như không có, nhưng tình hình Tân Cương ngày càng nóng. Đồng thời, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với tình trạng phân hóa xã hội giàu – nghèo ngày càng sâu sắc, thể hiện ra ở những vụ biểu tình gần đây của người lao động ở một số thành phố miền duyên hải. Năm 2011 chính là năm có những cuộc phản kháng của người dân khu tự trị Nội Mông hoặc ở Ô Khảm, Quảng Đông… hay như sự tiếp tục đối kháng chính quyền của những người theo Pháp Luân Công, đều là những bất ổn bên trong nội bộ Trung Quốc.
Trong nội bộ Nhà nước Trung Quốc, những vụ án lớn gần đây như vụ Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang… tuy bên ngoài khó đánh giá, nhưng có thể đoán lờ mờ đó cũng là những hoạt động đấu tranh sắp xếp lại nội bộ những người cầm quyền – việc này cũng tiềm ẩn sự hỗn loạn và đổ vỡ.
Đáng chú ý là ba vấn đề lớn: Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng – là những vấn đề không dễ giải quyết vì đó là mâu thuẫn giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa ly khai không thể được giải quyết – một mặt, nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay không dễ gì từ bỏ, mặt khác, thì không thể dung hòa giữa quá trình Hán hóa, sự thiếu tôn trọng văn hóa dân tộc và cao hơn cả là quyền dân tộc tự quyết.
Mưu toan “kỳ thủ thứ tư”
Chính vì những lý do trên mà Trung Quốc không thể công khai ủng hộ Liên Bang Nga trong những sự kiện ở bán đảo Crưm thời gian vừa qua. Từ đầu năm 2014, sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất, chính là tình hình Đông Ucraina và bán đảo Crưm. Từ năm 1991 đến nay, chúng ta quen nhìn thấy Liên Bang Nga như là một thực thể tiếp nhận tất cả các di sản để lại của Liên Xô (cũ) trong quan hệ quốc tế mà quan trọng nhất là chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng là người tiếp nhận gần như tất cả sức mạnh quân sự của Liên Xô (cũ). Chúng ta cũng quen với hình ảnh của một nước Nga ốm yếu dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, rồi chuyển mình mạnh mẽ dưới thời cặp bài trùng Putin – Medvedev. Nhưng rõ ràng, nước Nga chưa có được cái “tầm” của Liên Xô (cũ) khi bàn tay vươn tới cả Caribe, Nam Mỹ hay Đông Nam Á và xa hơn nữa, sang các nước Châu Phi.
Cũng từ năm 1990, nước Mỹ với cuộc Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất, rồi hàng loạt các cuộc can thiệp, dù có danh nghĩa của Liên Hiệp Quốc hay không thì vẫn là nước Mỹ đóng vai trò chủ lực, đã dần chiếm vai trò độc tôn của một thế giới đơn cực.
Giàn khoan HD-981, xâm phạm chủ quyền, TQ, bảo vệ biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông, yêu nước, vòi rồng, kiểm ngư, cảnh sát biển, chủ quyền quốc gia
TQ muốn trở thành "kỳ thủ thứ tư" trên bàn cờ chính trị thế giới. Ảnh minh họa: Bintel.com.ua
Trung Quốc không thể đứng ngoài – vì nhãn quan nhìn thế giới tương lai của Trung Quốc, phải là một thế giới đa cực, mà trong đó, Trung Quốc là một cực. Thực tế, cái mà họ mong muốn không phải là một thế giới đa cực mà cực nào cũng như cực nào, thay vào đó chỉ “đa vừa vừa”, vài cực thôi, không quá ít như bây giờ, mà cũng không quá nhiều. Họ cũng tự lượng sức của mình, nhưng mong muốn được trở thành một cực mà xung quanh là các vệ tinh, từ các vệ tinh mang tính “huyết thống” như Hong Kong, Đài Loan, Singapore… (ở đây tôi gộp cả các vùng lãnh thổ cùng với các quốc gia có công nhận quốc tế) và cả các nước Đông Nam Á, Triều Tiên… cũng sẽ là vệ tinh của họ.
Chính vì thế, tiếp tục duy trì kiểu quan hệ nhiều mặt rất đối lập với nhau về chính sách đối xử quốc tế, chính là một kiểu rất đặc biệt, kỳ lạ và khá khó chịu của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Chúng ta thấy một nước Trung Quốc rất cần các nhà đầu tư Nhật Bản, “trải thảm đỏ”, nhưng mặt khác vẫn thấy Trung Quốc tranh chấp ở ngoài Điếu Ngư/ Senkaku… Chúng ta thấy họ luôn hô hào “thu hồi Đài Loan” nhưng chắc chắn không bao giờ họ dùng quân sự để chiếm Đài Loan cả, bởi đánh là tan nát hết.
Tháng Năm năm 2014, sau những sự kiện ở Crưm, bàn cờ địa chính trị thế giới ngoài mấy kỳ thủ cũ kỹ, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, đã xuất hiện thêm một đối thủ nặng ký: nước Nga. Bằng những hành động nhanh chóng và kiên quyết của mình, nước Nga đã nói lên với thế giới rằng: “I am back” – “Tôi đang quay trở lại”. Trung Quốc không thể đứng ngoài. Tình hình Đông Ucraina – Crưm bất ổn, cả châu Âu và Hoa Kỳ lúng túng, bị động – và đây chính là thời cơ để Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn hòng bước vào bàn cờ địa chính trị thế giới sâu hơn nữa.
Lần này họ không chọn Philipines làm đối thủ, cũng không chọn Nhật Bản… cả hai nước vừa đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Obama, mà chọn Việt Nam như là một chiêu của binh pháp Tôn Tử, “bỏ chỗ mạnh đánh chỗ yếu” vậy. Một mũi tên gần như bắn ra trúng nhiều mục tiêu: đối phó – xoa dịu tình hình trong nước; tiếp tục thực hiện kế hoạch chiếm đóng thực tế và khai thác nguồn lợi kinh tế trên Biển Đông, thử thái độ của Việt Nam và quan trọng hơn cả, theo cái nhìn của tôi, đó vừa là câu trả lời, vừa là liều thuốc thử đối với chính sách khu vực của Hoa Kỳ.
Cũng khá nhanh chóng, họ nhận được sự tỏ thái độ khá rõ ràng của Hoa Kỳ trước sự việc “giàn khoan HD-981″ lần này, và họ bắt đầu có hiện tượng xuống nước. Tên đã bắn thì không thu về được, với chúng ta giàn khoan là “khủng”, nhưng với Trung Quốc, chỉ là một hòn sỏi con con ném đi mà thôi. Chúng ta còn chưa biết họ sẽ tiếp tục hành xử như thế nào.
Vậy đó, Trung Quốc muốn làm “kỳ thủ thứ tư” không muốn đứng ngoài cuộc. Còn việc làm thế nào để chấm dứt cái tình trạng chiếm giữ “de facto” của Trung Quốc ở Hoàng Sa, chuyện quá lớn, tôi không dám lạm bàn.
Phúc Lai (Theo TVN)


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link