'Nhà nước đã làm sai
vai trò?'
Cập nhật: 16:31
GMT - chủ nhật, 4 tháng 5, 2014
Media Player
Giáo sư Hợp tin rằng Việt Nam cần sửa luật để người dân có quyền
tư hữu ruộng đất.
Xung đột đất đai ở Việt Nam đang cho thấy một thực tế nhà nước
đã làm sai vai trò của mình, theo một nhà nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn
từ trong nước.
Trao đổi với BBC hôm 04/5/2014, Giáo sư Tô Duy Hợp, nguyên
Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học Việt Nam, cho rằng hiện nay
trong nhiều vụ tranh chấp đất đai, ruộng đất, nhà nước và các chính quyền địa
phương đã trực tiếp 'xung đột' với người dân.
Theo nhà nghiên cứu này, nhà nước thay vì như vậy nên xem xét
lại quan hệ của mình để điều chỉnh sao cho chẳng hạn trong các quan hệ tranh
chấp, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp, tổ chức thuê đất với người dân bị cưỡng chế,
lấy lại đất v.v..., nhà nước trở thành người 'trung gian' làm trọng tài hòa
giải.
Để tránh tình trạng đối đầu trực tiếp giữa chính quyền với dân,
theo Giáo sư Hợp, nhà nước cũng cần xem xét lại luật, trong đó nên công nhận sở
hữu tư nhân về ruộng đất, đất đai của người dân, đặc biệt trong đó của nông
dân.
'Tiên phong và bị hại'
"Nông dân gần đây là tiên phong trong công cuộc đổi mới,
nhưng bây giờ nông dân lại thiệt hại nhất"
GS Tô Duy Hợp
Nhà xã hội học cho rằng người nông dân Việt Nam gần đây từ người
đi 'tiên phong' trong đổi mới kinh tế đất nước, đã trở thành người bị thiệt hại
nhất.
Trong cuộc trao đổi hôm Chủ Nhật, GS Tô Duy Hợp nói:
"Quan điểm của tôi là bất cứ nhà nước nào tiến bộ là cũng
phải chia ra những phần đất: đất thuộc về an ninh quốc gia, rồi phần đất để dự
trữ, phần đất gọi là đất công và còn lại là đất tư,
"Ruộng đất tư là quyền, các nước đều thế cả, lịch sử Việt
Nam cũng đã từng có như thế, làm sao bây giờ lại công hữu hóa hết, làm cho
người nông dân mất hết, và người nông dân rất khó...
"Nông dân gần đây là tiên phong trong công cuộc đổi mới,
nhưng bây giờ nông dân lại thiệt hại nhất."
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment