Thursday, May 8, 2014

Bỗng dưng họ hèn quá vậy?


 
Bỗng dưng họ hèn quá vậy?
Nguyễn Hưng Quốc

Mấy ngày vừa qua, trên các trang mạng xã hội, người ta bàn luận rất nhiều về việc giàn khoan HĐ81 của Trung Quốc đang “tác nghiệp” tại khu vực quần đảo Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trên các cơ quan ngôn luận chính thức của Việt Nam, ngược lại, chỉ có tờ PetroTomes lên tiếng. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao cũng chỉ lên tiếng một cách dè dặt và bâng quơ như thường lệ. Tại sao vậy?

***
Trong lịch sử Việt Nam có nhiều nhà lãnh đạo hèn. 

Mạc Đăng Dung bị xem là hèn khi phủ phục cắt đất dâng cho nhà Minh. Các vua nhà hậu Lê bị xem là hèn khi để cho các chúa Trịnh uy hiếp từ đời này qua đời khác; trong đó người hèn nhất là Lê Chiêu Thống, chạy sang quỳ luỵ nhà Thanh để chống lại Tây Sơn, cuối cùng bị thảm bại, v.v… 

Tuy nhiên, cho đến gần đây, hầu như chưa ai cho các nhà lãnh đạo cộng sản là hèn cả.

Mà thật, ngay cả những người chống cộng cực đoan và thô thiển nhất cũng không thể nói cộng sản là hèn. Có thể nói là họ cuồng tín, độc tài, độc ác, tham quyền cố vị, lạc hậu, hẹp hòi, nghi kỵ, giả dối, dốt nát về kinh tế, chà đạp lên dân chủ và nhân quyền, quá lệ thuộc về tư tưởng trước các đàn anh, từ Liên Xô (cũ) đến Trung Quốc. Nhưng khó nói được là họ hèn.

Hơn nữa, trong một thời gian dài, nói họ là anh hùng cũng không quá đáng. Không anh hùng sao được khi, trước năm 1945, họ sẵn sàng hy sinh cuộc sống an toàn và êm ấm của họ và gia đình họ để tham gia vào các cuộc tranh đấu giành độc lập, bất chấp bao nhiêu nguy hiểm, kể cả chết chóc và tù đày? Không anh hùng sao được khi họ tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ gian khổ để cuối cùng, năm 1954, trở thành thuộc địa đầu tiên đánh bại đế quốc Pháp? Tính chất anh hùng trong cuộc chiến tranh 1954-75 phức tạp và tế nhị hơn: trong khi không thể nói là họ anh hùng khi tìm cách bắn giết dân chúng ở miền Nam, chúng ta không thể không thừa nhận là họ anh hùng khi họ chịu đựng những trận mưa bom của Mỹ đổ xối xả xuống miền Bắc và theo đuổi cuộc chiến đấu đến cùng. Rồi trong cuộc chiến tranh với Pol Pot và nhất là cuộc chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1979: Phải nói là họ anh hùng.

Tôi biết có thể sẽ có nhiều người phản đối những ý kiến tôi vừa nêu. Tuy nhiên, tôi cũng biết: Phản đối thì phản đối, nhưng họ cũng không thể nói là các nhà lãnh đạo cộng sản, trong các trường hợp trên, là hèn. Cho đến nay, trong các tài liệu tôi đọc được, chưa ai nói thế bao giờ.

Chỉ nghe các trí thức sống dưới chế độ cộng sản tự nhận là mình hèn. Trước, người ta chỉ thừa nhận một cách tương đối…hèn: Lén lút. Sau, từ thời đổi mới, nhiều người tự nhận một cách công khai. Người thú nhận một cách thẳng thắn và cảm động nhất là Nguyễn Minh Châu trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” đăng trên báo Văn Nghệ ở Hà Nội ngày 5 tháng 12 năm 1987: “Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.” Hèn để tồn tại. Cũng Nguyễn Minh Châu: “Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em:‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’” Nhạc sĩ Tô Hải khái quát hoá toàn bộ con người và sự nghiệp của mình vào một chữ, chữ “hèn” khi đặt nhan đề cho cuốn hồiký của mình: Hồi ký của một thằng hèn. Phạm Xuân Nguyên, trong bài “Cái hèn của người cầm bút” đăng trên tạp chí Sông Hương tháng 5 năm 1988, cũng thừa nhận cái hèn như một hiện tượng phổ biến.

Các trí thức và văn nghệ sĩ bị trị thì hèn. Còn những kẻ thống trị thì dĩ nhiên được miễn nhiễm loại vi khuẩn ấy. Họác hay ngu nhưng họ không hèn. 

Nhưng đó là chuyện ngày trước.

Gần đây, cụ thể là từ một hai năm cuối cùng của thập niên 2010 thì khác. Đọc trên các trang mạng hay blog từ trong đến ngoài nước, chúng ta gặp nhan nhản những chữ “hèn”. 

Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm Trường Sa và Hoàng Sa, chính quyền vẫn cúi đầu và im lặng: Hèn. 

Trong khi khiếp nhược trước Trung Quốc, nhà cầm quyền lại mạnh tay đàn áp các thanh niên sinh viên yêu nước xuống đường phản đối chính sách bành trướng của Bắc Kinh: Hèn.

Tàu hải quân của Trung Quốc giết và bắt ngư dân Việt Namđ ang đánh cá ngay trong lãnh hải Việt Nam mà nhà cầm quyền cũng không dám lên tiếng phản đối, thậm chí, không dám gọi là tàu Trung Quốc, chỉ gọi một cách bâng quơ là “tàu lạ”: Hèn.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên nhật báo Người Việt ở California, sau khi so sánh với cách hành xử của các nước trong khu vực trong những trường hợp tương tự, đã đi đến kết luận: thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam là "hèn yếu". Nhà báo Huy Đức, hiện sống trong nước, trên Osin blog của anh, bày tỏ quan điểm của mình ngay trên nhan đề bài viết “Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen”. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, sống tại Úc nhưng có nhiều quan hệ gần gũi với Việt Nam, nhận định thẳng thừng: “Chưa thấy trong lịch sử Việt Nam, có thời nào mà Việt Nam khiếp nhược như thế.”

Từ ba vị thế khác nhau với những lập trường chính trị có khi khác hẳn nhau, cả Ngô Nhân Dụng, Huy Đức và Nguyễn Văn Tuấn đều có nhận định giống nhau về giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay: Hèn!

Hình như chưa bao giờ trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, lại đồng ý với nhau như thế!

Hình như mọi người đều đồng thanh: Giới lãnh đạo Việt Nam hèn!

Riêng tôi, tôi không ngớt ngạc nhiên: Sao tự dưng họ lại đâm hèn đến vậy?



__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link